7 bí quyết sống vui khỏe

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Có sức khỏe là có tất cả, không sức khỏe là không có gì. Chung thân vô bệnh là điều ước mơ từ ngàn xưa của con người. Xin giới thiệu 7 bí quyết giúp con người sống vui khỏe.

1. Sống lạc quan ít phiền muộn

Tất cả những yếu tố tâm lý bất ổn như thất vọng, tinh thần sa sút, bi lụy, đố kỵ, lo lắng, bi quan nếu lặp đi lặp lại hoặc kéo dài đều gây tổn hại đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người sống lạc quan giúp giảm được tỷ lệ chết sớm xuống 50% so với người bi quan. Kết quả rất đáng quan tâm: người sống lạc quan yêu đời ít bị stress hơn, biết cách xoay xở trước những bất hạnh theo hướng tích cực nên từ đó sức khỏe sẽ ít bị tổn hại hơn. Và, người sống lạc quan có huyết áp thấp hơn người bi quan.

                                

Đi bộ nhiều có lợi cho sức khỏe.

2. Đừng ngủ quá giấc (ngủ đủ)

Giấc ngủ giúp phục hồi thần kinh, chống mệt mỏi, tái tạo sức khỏe. Khi đi ngủ thì bỏ ưu phiền để có giấc ngủ ngon, ngủ sâu, ngủ đủ giấc, đủ giờ. Thật ra, ngủ quá nhiều không có lợi cho sức khỏe mà còn giảm tuổi thọ trung bình. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, những người ngủ nhiều hơn 8 giờ mỗi đêm có tỷ lệ chết sớm cao hơn người ngủ bình thường! Nhưng ngủ ít hơn 4 giờ cũng chẳng sống thọ được bao lâu. Tóm lại, những người có giấc ngủ trong khoảng 6 – 7 giờ mỗi đêm có tuổi thọ khá cao.

3. Vận động thân thể (đi bộ nhiều)

Hãy dậy sớm và tập thể dục! Tập thể dục không chỉ giúp duy trì thể trọng lý tưởng mà còn có lợi cho hoạt động tim mạch, củng cố xương và làm tăng endorphin, hormon năng lượng của cơ thể. Không chỉ có thế, thể dục còn làm cho cuộc sống thú vị hơn, loại bỏ stress và nhiều bệnh tật nguy hiểm. Thực tế chứng minh, những người tích cực vận động cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn và sống thọ hơn. Trong đó, đi bộ là phương pháp luyện tập sức khỏe tốt nhất đối với mọi lứa tuổi. Khoa học đã tổng kết, đi bộ làm cho động mạch từ cứng biến thành mềm, tuần hoàn máu tăng, khỏe gân cốt, đồng thời làm giảm lượng mỡ và cặn bã trong máu. Mỗi lần đi bộ ít nhất 3km, mỗi tuần đi bộ ít nhất 5 lần.

Nền tảng của sức khỏe là: ăn uống hợp lý, vận động vừa sức, giảm rượu, bỏ thuốc lá, cân bằng tâm lý. Nếu thực hiện 4 nền tảng về sức khỏe nói trên có thể giảm 55% bệnh đái tháo đường, 1/3 bệnh ung thư, 75% bệnh xuất huyết não… và kéo dài tuổi thọ bình quân từ 10 năm trở lên.

4. Cười nhiều

Tiếng cười là đặc điểm riêng chỉ con người mới có, là một yếu tố sức khỏe, một phương pháp trị liệu có hiệu quả. Nhiều trung tâm y học trên thế giới đã áp dụng phương pháp trị liệu: tiếu liệu pháp – điều trị bằng tiếng cười. Trong dân gian thường nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Cười làm giảm các hormon gây stress như adrenalin và cortison, đồng thời làm tăng tiết endorphin – hormon kích thích tuần hoàn máu. Cười là bạn tốt của trái tim. Cười đẩy lùi trầm uất. Cười giúp con người trẻ lâu. Không thể phủ nhận chân lý: người coi trọng tiếng cười sẽ sống lạc quan hơn, từ đó tuổi thọ được kéo dài hơn những người tối ngày chỉ mang bộ mặt sầu thảm!

Giấc ngủ giúp phục hồi thần kinh, chống mệt mỏi, tái tạo sức khỏe.

5. Giảm cân

Đối với những người thừa cân hay béo phì, cuộc sống là một quả bom hẹn giờ! Những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim rất cao và một số loại ung thư, cũng như phát triển bệnh đái tháo đường týp 2. BS. David Fein, Giám đốc y khoa Trung tâm Nghiên cứu tuổi thọ Princeton ở New Jersey (Mỹ), nói: “Cách tốt nhất để giảm số cân thừa là cắt bớt lượng thực phẩm đưa vào cơ thể. Nhiều người nghĩ tập thể dục có thể giảm cân, nhưng thật ra nó chỉ có thể duy trì số cân đã có”.

6. Tĩnh tâm

Sự tĩnh tâm giúp con người có tâm trạng thư thái, yên bình hơn. 15 phút tĩnh tâm gây hiệu quả thư giãn đầu óc nhiều hơn 1 giờ ngủ sâu. Hoặc là, bắt đầu một ngày mới với bài tập tĩnh tâm khoảng 2 phút thôi cũng đem đến các lợi ích không nhỏ. Ngồi thẳng người và cố gắng giữ “trống” đầu óc bằng cách chỉ tập trung nghĩ đến một từ duy nhất nào đó. Nên xây dựng một nhân sinh quan đúng đắn phù hợp với lý tưởng cao đẹp. Tránh những tính toán vụn vặt, những ham muốn vật chất quá mức, ham muốn danh lợi, địa vị, vị kỷ, những lo âu căng thẳng triền miên rất có hại cho sức khỏe.

7. Giảm stress

Stress là một khái niệm bao gồm mọi tác nhân có khả năng gây ra trạng thái căng thẳng về tinh thần và từ đó gây ra những biến động từ nhẹ đến nặng đối với cơ thể con người. Mỗi người đều bị stress với mức độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng không phải ai cũng biết quản lý nó! Chìa khóa là phải nhận thức được các vấn đề lớn trong đời sống của bạn và biết cách giảm nhẹ chúng. Stress dai dẳng sinh ra lượng cortisone tăng cao, làm suy yếu hệ miễn dịch. Một nghiên cứu của Trường đại học Y khoa John Hopkins (Mỹ) thực hiện năm 2009 cho thấy, những người tỏ ra giận dữ khi gặp stress dễ bị bệnh tim gấp 3 lần, thậm chí 6 lần nếu ở tuổi 55 so với những người ít cáu giận. Sở dĩ như vậy vì khi cáu giận huyết áp dễ tăng cao.

BS. Đỗ Minh Hiền

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *