Dọn dẹp đồ cũ cho nhà gọn gàng

Dọn dẹp đồ cũ như thế nào để nhà cửa gọn gàng hơn? Đồ gì nên để lại và đồ gì nên vứt đi, cách sắp xếp chúng như thế nào để nhìn vừa khoa học mà lại đẹp mắt.



Nhưng thực sự không ít chị em phụ nữ cũng mắc căn bệnh này đâu. Vì vậy, đây là lúc thích hợp để chúng ta ngó nghiêng lại không gian của mình và vứt bỏ đi những đồ vật không cần thiết, chẳng hạn như:

1. Đồ dùng em bé:

Trừ khi bạn có ý định sinh thêm em bé, còn không nên thanh lý hoặc cho đi những đồ dùng không cần thiết như nôi cũi, quần áo và đồ chơi. Nôi cũi là vật dụng không thể thiếu, khi mua cũng khá đắt tiền nhưng bé chỉ dung trong thời gian rất ngắn, để trong nhà cực kì tốn diện tích, thêm vào đó nếu bạn để lâu ngày thì đây sẽ là nơi tích tụ nhiều bụi bẩn và nấm mốc có hại cho sức khỏe. Lời khuyên: Nên thanh lý ngay!

2. Đồ bếp:

Đứng đầu trong danh sách đồ bếp cần bỏ đi phải kể tới thớt gỗ, chảo chống dính…đã bị hỏng chức năng chống dính; hộp nhựa, hộp đựng gia vị quá lâu ngày. Đừng tiếc nuối mà hãy tiễn chúng đi và mua ngay những vật dụng mới. Đôi khi chỉ thay đổi một chút trong gian bếp là bạn đã tạo cho mình sự hứng thú hơn với việc nấu nướng rồi đấy!

3. Mỹ phẩm không dùng đến:

Hậu quả của một lần mua sắm quá tay đó chính là việc bàn trang điểm của bạn chất ngổn ngang bao nhiêu là chai lọ. Bạn thuộc loại da khô nhưng trên bàn vẫn có…phấn kiềm dầu; bạn thích son môi màu đỏ nhưng vẫn mua tận 2 cây son màu cam chỉ vì lý do “đang sales off rẻ quá không kìm được”. Rồi chì kẻ mắt, nước hoa hồng đã hết hạn sử dung nhưng chưa dùng hết do tiếc của vẫn cứ bày tứ tung. Chỉ tới khi bạn rối tung lên vì không tìm được thỏi son phù hợp giữa một đống ngổn ngang cơ man nào là đồ đạc hoặc bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm quá hạn mới chịu vỡ lẽ: “đáng ra mình phải vứt chúng từ lâu rồi!”. Lời khuyên kinh tế: Thanh lý hoặc cho đi trước khi quá đát nếu bạn không kiềm hãm được tật mua sắm quá tay của mình.

4. Quần áo cũ:

Bao gồm quần áo đã lỗi thời, quần áo không vừa với bạn, quần áo bạn không còn ưa thích, nội y không phù hợp với dáng người. Nhất là sau khi sinh bé, cơ thể bạn sẽ có sự thay đổi lớn nên đây có thể là thời gian “thanh lọc” không gian tủ của bạn.

5. Sách giáo khoa và đồng phục học sinh:

Đôi khi bạn giữ lại tập sách giáo khoa cũ vì nghĩ rằng em út có thể dùng sách của anh chị. Tuy nhiên nếu gia đình bạn khá giả một chút, việc mua thêm bộ sách mới có thể khiến bé cảm thấy vui vẻ và hào hứng hơn đối với việc học tập. Hơn nữa với tình hình giáo dục cải cách liên tục như hiện nay, việc bé em nhỏ tuổi hơn anh/chị quá nhiều có thể dùng sách của anh chị mình để học lại sau này là điều chưa chắc chắn. Vì vậy lời khuyên tốt nhất là bạn nên tặng hoặc bán sách cho những ai đang cần, đồng phục học sinh cũng tương tự như vậy.

6. Đồ điện tử:

Công nghệ tiên tiến luôn cập nhật như hiện nay tạo điều kiện cho bạn dễ dàng hơn để sở hữu 1 chiếc TV hiện đại, có thể lướt internet ngay trên TV với giá thành rất phù hợp với các gia đình có thu nhập trung bình. Do đó, những đồ công nghệ đã cũ, lâu ngày hoặc hỏng vặt, thay vì tốn tiền sửa linh tinh, hãy mạnh dạn cho hoặc bán cho người có điều kiện thấp hơn để có trải nghiệm công nghệ mới.

7. Chăn nệm cũ:

Vứt đi những chiếc chăn hỏng, đệm nằm lâu ngày…đến mức xẹp lún. Không có lý do gì để những vật dụng cực kì tốn diện tích này ở trong nhà bạn lâu hơn nữa.

8. Tạp chí, sách báo cũ:

Tạp chí, sách báo là nơi lưu trữ những thông tin mang tính thời sự được cập nhật hàng ngày. Bạn sẽ chẳng bao giờ muốn đụng tới những quyển báo với nguồn thông tin lỗi thời từ cách đây mấy năm, vì vậy cách tốt nhất là bỏ chúng thật gọn gàng vào bao và chia sẻ với những ai muốn đọc hoặc đem thanh lý cho tiệm sách cũ.

9. Voucher, coupon giảm giá khuyến mãi:

Những voucher, coupon giảm giá khuyến mãi thoạt tiên mới nghe thì có vẻ là món hời bạn được các nhãn hàng, các công ty dịch vụ ưu ái nhưng thật ra chúng có thể là động cơ móc sạch hầu bao của bạn vào những món hàng không cần thiết chỉ vì giảm giá.

Lời khuyên mang tính “vẹn cả đôi đường” nhất là hãy bán lại cho những người thật sự cần chúng.

10. Áo cưới, áo vest:

Bạn sẽ nghĩ thật là điên khùng khi tôi nhắc đến những món đồ thiêng liêng này như thể những món đồ cần vứt bỏ. Đơn giản là tôi đã chứng kiến nhiều người hứa hẹn sẽ nâng niu và cất giữ chiếc áo cưới như thể đây là món đồ quý giá nhất trong cuộc đời họ nhưng sự thực là chúng bị xếp vào những chiếc bao to đùng và cất vào một xó nhăn nhúm mà không bao giờ có dịp dùng lại. Giữa việc để chúng trong nhà vừa tốn diện tích vừa tội nghiệp như thế với việc đem tặng hoặc thanh lý cho những người đang cần; bạn chọn cách nào?<br />
Lời kết:

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy tiếc nuối hoặc phân vân khi vứt bỏ đi đồ dùng nào đó, hãy nghĩ đến công dụng hiện tại của nó; tưởng tượng đến cảnh không gian nhà bạn sẽ gọn gàng hơn rất nhiều và cả niềm vui mang đến cho những người sở hữu sau. Nếu vứt bỏ đem đến cho ta nhiều niềm vui như thế, vì sao lại phải chần chừ nhỉ?

Những cách đơn giản để loại bỏ đồ cũ

Bạn muốn dọn dẹp nhà cửa bừa bộn mà không tốn sức, hãy tham khảo các mẹo dọn dẹp trong bài viết này để thực hiện điều này nhé!

Lời Khuyên Đầu Tiên: Bạn hãy lập một danh sách việc dọn dẹp lại nhà cửa cho các vị trí và khu vực nào trong nhà mà bạn muốn làm ngăn nắp lại. Hãy bắt đầu dọn từ chỗ lộn xộn nhất trước, vì tâm lí khi giải quyết xong phần việc khó sẽ thấy thoải mái và đỡ ngại để làm tiếp các chỗ khác đơn giản hơn! Bạn hãy lập một thời gian biểu cho việc thanh lọc và loại bỏ đồ cũ trong nhà, những nơi mà bạn định dọn dẹp, như vậy sẽ giúp thực hiện được đúng như kế hoạch.

Mặc dù đã rất cố gắng giữ cho mọi thứ ở đúng vị trí của nó nhưng nhiều khi các đồ đạc trong nhà, thậm chí cả thức ăn rơi vãi cũng tích tụ lại mà chúng ta không hay biết, khiến cho căn nhà trở nên lộn xộn thay vì luôn được sạch sẽ, tươm tất và gọn gàng. Mọi ngôi nhà đều cần làm vệ sinh thường xuyên, nhưng nhiều người thường hay nản chí trước viễn cảnh phải sắp dọn lại một núi việc khổng lồ. Thực ra bạn không cần thiết phải lo lắng đến thế! Nếu bạn thấy miễn cưỡng với việc phải loại bỏ đồ cũ trong nhà – hoặc đơn giản là bạn không biết chắc chắn phải dọn dẹp đống lộn xộn của bạn ra sao – thì một vài mẹo sắp xếp dọn dẹp dưới đây có thể là những gợi ý hay để giúp bạn bắt đầu:

Dọn dẹp bếp núc

Một trong những chuyện thường xuyên xảy ra trong mọi căn bếp là: bạn mua đồ ăn về và rồi quên bẵng mất nó trong một thời gian dài! Tuyệt đối không nên sử dụng các đồ ăn đã quá hạn, vả lại cất giữ chúng cũng rất tốn chỗ nữa. Một vài hướng dẫn dưới đây sẽ giới thiệu với bạn cách làm gọn gàng nhà cửa khi dọn dẹp bếp núc hoặc tủ chạn đựng đồ ăn:

Bắt đầu với việc dọn tủ lạnh . Hãy loại dần từ những thứ đã hết hạn từ lâu đến những đồ ăn vừa hết hạn. Các sản phẩm từ sữa, kem, pho mát/phô mai và các thứ gia vị hay dùng thường có hạn sử dụng rất ngắn. Bỏ hết các đồ ăn không dùng nữa và vệ sinh sạch sẽ những bao bì có thể tái sử dụng được như chai lọ thuỷ tinh, hộp bìa giấy carton, hoặc dạng vỏ chai nhựa.

Sau đó dọn tủ bát đĩa hoặc tủ chạn . Hãy loại bỏ các đồ đã quá hạn (tái sử dụng các vỏ đựng nếu có thể được), và nhớ kiểm tra một lượt các đồ trong đó. Nếu những thứ gì vẫn còn hạn nhưng bạn không dùng nữa thì có thể đem sang hàng xóm hoặc cho ai đó.

Bạn nhớ kiểm tra dụng cụ dao kéo và các đồ dùng nhà bếp khác , cũng như các giá để nồi niêu xoong chảo . Hãy để ý các vật dùng cồng kềnh chiếm nhiều chỗ để, nhất là các đồ ít khi sử dụng tới như là những vật dụng chỉ dùng những lúc cần thiết và bỏ hết những xoong nồi đã quá cũ và hỏng.

Dọn dẹp buồng ngủ bừa bộn

Dọn phòng ngủ gọn gàng cũng rất quan trọng! Không nên chất quá nhiều quần áo trong tủ đồ để tránh hư hỏng vải hoặc nhăn nhúm quần áo. Nếu bạn định loại bỏ đồ cũ trong nhà thì phòng ngủ có thể là nơi phải xử lí trước tiên. Hãy thử tham khảo cách làm dưới đây:

Đừng giữ lại các quần áo không còn mặc vừa nữa . Nếu chúng đã chật, bạn có thể đem cho người khác hoặc đóng góp từ thiện.

Hãy đem cho bớt các đồ mà bạn không còn sử dụng tới. Hãy liệt kê các thứ đồ mà đã lâu rồi bạn không dùng và cân nhắc xem có nên giữ chúng nữa không.

Bạn nên chú ý cả tới khu vực ngăn tủ để những loại quần áo đặc biệt . Những đôi tất và đồ lót đã xuất hiện lỗ thủng, không còn sử dụng được hay kém vệ sinh thì đã đến lúc phải loại bỏ chúng! Nếu tủ chứa các sản phẩm vệ sinh vẫn còn chỗ trống thì bạn có thể cất những chiếc tất cũ để làm giẻ lau.

Dọn dẹp buồng tắm

Lần cuối cùng bạn dọn dẹp lộn xộn trong tủ thuốc của buồng tắm là khi nào? Có một chi tiết mà rất nhiều người không để ý là trên tất cả các vỉ thuốc đều có ghi ‘thời hạn sử dụng’. Thuốc rất dễ mua, nhưng sau khi đã khỏi bệnh thì bạn lại quên bẵng nó đi! Vì thế bạn hãy nhớ rà soát tủ thuốc và bỏ những vỉ thuốc đã quá hạn sử dụng rồi nhé!

Các chai dầu gội đầu, sữa tắm, kem dưỡng da cũng có thể khiến buồng tắm của bạn trông lộn xộn. Hãy rà soát một lượt các sản phẩm này và cân nhắc xem loại nào vẫn còn dùng được.

Mẹo sắp xếp đồ đạc gọn gàng

Điều mà ai cũng ngại nhất chính là dọn dẹp mớ bòng bong của bạn, phải không? Bí quyết trong việc này chính là hãy gạch đầu dòng từng việc phải làm, rồi sắp xếp lại nhà cửa bằng cách thu dọn từng việc một. Trước tiên, hãy tập trung làm từng phòng riêng lẻ và quên đi các việc khác. Nếu cùng một lúc

dọn dẹp nhiều phòng thì bạn sẽ dễ bị quá tải công việc và có thể kết quả sẽ càng bừa hơn so với lúc bắt đầu! Một khi đã xác định được điểm khởi đầu, hãy làm từng ngăn tủ chạn bát một, rồi đến giá kệ, v.v.

Mẹo sắp xếp lại nhà cửa không gây tâm lý lo lắng

Nếu bạn định xử lý đồ thừa trong nhà nhưng rất lo ngại về việc vứt bỏ hay đem cho ai đó, có lẽ cách tốt nhất là vẫn nên cất giữ những thứ này cho tới khi bạn biết chắc sẽ định làm gì với chúng. Nếu bạn có chỗ cất như căn gác mái hay nhà kho thì hãy đóng gói các đồ này lại và để đó chừng một tháng. Nếu sau khi vứt bỏ mớ bòng bong của bạn xong mà bạn không cảm thấy còn cần đến chúng nữa thì bạn có thể yên tâm rằng mình đã làm đúng!

Các điểm chính:

Thường xuyên kiểm tra lại tủ bếp và tủ lạnh để loại bỏ các đồ ăn đã quá hạn,

Dọn dẹp lại tủ quần áo, đem cho những quần áo đã không còn vừa.

Dọn dẹp lại các chai lọ dầu gội đầu, sữa tắm không còn dùng đến nữa và bỏ hết những vỉ thuốc đã quá hạn sử dụng.

Sudo Đời Sống

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *