Những dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ cần phải biết

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường xuất hiện ở những người ngoài 30 tuổi, đặc biệt là dân văn phòng. Tuy nhiên, mọi người thường chỉ phát hiện ra mình mắc bệnh khi bệnh đã nặng.

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ cũng như tóc bạc, loãng xương…, là một trong những căn bệnh phổ biến nhiều người mắc phải, nhất là dân văn phòng. Rất nhiều người cảm thấy lo lắng khi phát hiện mình mắc bệnh này.

Nhung dau hieu thoai hoa dot song co can phai biet  1

Hình minh họa

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ không phải là bệnh nan y, hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị được. Tuy nhiên nếu không kịp thời điều trị thì cũng sẽ rất nguy hiểm. Theo thời gian, quá trình thoái hóa diễn ra ngày càng nhanh và trầm trọng. Trong đó, nếu đốt sống cổ thoái hóa ở mức độ nặng, các chồi xương và khối lồi thoát vị đĩa đệm sẽ phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau, tủy sống cổ bị chèn ép sẽ xuất hiện hội chứng cổ – tủy sống, đe dọa tính mệnh người bệnh. Ngoài ra, thoái hóa đốt sống cổ còn gây nên nhiều hội chứng phức tạp, nguy hiểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Thông thường căn bệnh này xuất hiện ở những người ngoài 30 tuổi, đặc biệt là dân văn phòng ít vận động, phải làm việc máy tính 8 tiếng/ngày, những người phải sử dụng nhiều động tác ảnh hưởng đến vùng đầu cổ. Và thông thường, đa số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh thoái thoái hóa đốt sống cổ khi bệnh đã trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt.

Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết bạn bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ:

– Triệu chứng rõ nhất của bệnh thoái hóa đốt sống cổ thời gian đầu đó là mỏi cổ, cổ cứng nhắc khó xoay chuyển kèm với dấu hiệu đau cổ sau đó lan xuống vai. Ngoài ra còn đau đầu, đau dây thần kinh sau gáy, mất ngủ, gầy rộc, sức làm việc giảm sút không rõ nguyên nhân… Những cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ sẽ ngày một kéo dài từ gáy sau đó lan dần sang tai đến cổ gây ảnh hưởng lớn đến tư thế sái cổ, vẹo cổ…

– Với chứng thoái hóa đốt sống cổ ở cao, người bệnh còn có triệu chứng nấc, ngáp, chóng mặt. Khám chỉ thấy các cử động ở cổ bị hạn chế (nặng); có thể cảm giác cứng gáy, có điểm đau khi ấn vào các gai xương và các mỏm ngang của cột sống cổ, chụp X-quang cột sống cổ thấy mất đường cong sinh lý, hẹp đĩa liên đốt, biến dạng ở thân đốt, có các gai xương.

– Nhìn chung, nếu bạn có các cảm giác đau, mỏi, nhức khó vận động vùng cổ là nhiều khả năng mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Một số người bệnh khi thời tiết trở trời kết hợp với một tư thế nằm không thuận lợi ban đêm có thể gây cứng cổ sáng hôm sau. Người bị cứng cổ không tự đi được và rất sợ những cơn ho, hắt hơi. Có người đau ê ẩm vùng gáy hoặc cả mảng đầu sau, rồi lan sang mảng đầu bên phải. Một số khác đau liên tục, không quay đầu sang trái hay sang phải được mà phải xoay cả người…

– Bên cạnh đó, nếu thoái hóa vùng cổ, bệnh nhân sẽ thấy nhức đầu vùng thái dương, trán, hai hố mắt vào buổi sáng; có khi tê tay do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép; kèm theo chóng mặt, ù tai, nhức đầu, hoa mắt; cột sống cổ biến dạng, vẹo, hạn chế vận động, co cứng cạnh cổ.

Để phòng tránh bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở dân văn phòng, các bác sĩ đưa ra lời khuyên: Chúng ta nên thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ nhàng, chơi các bộ môn thể thao sau thời gian dài ngồi làm việc mỗi ngày, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Rèn luyện đều đặn giúp bảo đảm cho các khớp xương ổn định, duy trì được vận động, giảm bớt sự cứng khớp, ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ.

Ngoài ra, để phòng tránh bệnh, bạn cần tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động gây đau như: Ngồi lâu, đứng lâu một tư thế. Bạn cũng nên massage cổ thường xuyên, thay đổi tư thế làm việc… Khi đi máy bay hay đi ôtô đường dài, tư thế ngồi đúng nhất là ngả lưng ghế ra sau khoảng 15 độ (tức là lưng ghế và mặt ghế tạo thành một góc 105 độ) và ngồi dựa vào lưng ghế.

Nếu bạn mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, bạn cần tham gia vật lý trị liệu, châm cứu, nên ngủ đủ giấc, ngả lưng một chút trong buổi trưa cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên có gối mỏng để tránh đau cổ. Ăn các thức ăn có nhiều chất xơ và ít chất béo sẽ làm giảm khối lượng cơ thể để cột sống chỉ phải nâng đỡ một khối lượng ít hơn.

Tuy nhiên nếu nghi ngại mình mắc phải bệnh thoái hóa đốt sống cổ, bạn cần phải tới khám ở những bác sỹ chuyên khoa để có hướng điều trị kịp thời nhất cho chuẩn xác.

Theo Minh Minh (Gia đình & Xã hội)

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *