Về vùng đất thiêng Golog

Có những khi trong cuộc sống tất bật, bạn muốn được đi đến một vùng đất lạ, vắng bóng người để mặc sức đắm chìm với những suy tư… Và Golog, thuộc tỉnh Thanh Hải, Tây Tạng là địa danh mà chúng tôi lựa chọn đi tới để tịnh tâm.

Ve vung dat thieng Golog

Tuyết rơi ở Golog

Sáu chặng bay mới đến được Thanh Hải

Lướt tìm trên trang web, nơi chúng tôi muốn đến khá biệt lập, địa hình hiểm trở. Hai vé máy bay được xuất vội, giá rẻ nhất gần 1.500 USD/vé cho hai lượt đi, về, gồm 6 chặng bay khác nhau với thời gian bay khoảng 12 giờ cho lượt đi và cũng ngần ấy thời gian cho lượt về. Cùng một người bạn, một người em đồng hành, tôi lên đường.

Những hành trình bay dài xen lẫn những lần nối chuyến vội vã tưởng chừng suýt nhỡ máy bay, cuối cùng chúng tôi cũng đến được TP. Tây Ninh, tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hải, vùng đất thuộc cao nguyên Thanh Tạng vào lúc 23 giờ 55 phút. Chúng tôi đón taxi về khách sạn, phố xá đã đóng cửa, tháng 3 vẫn còn là mùa đông ở đây, nhiệt độ bên ngoài khoảng 5 độ C. Trời lạnh, đói. Do không chuẩn bị, chúng tôi đành qua đêm với 2 chiếc bánh quy nhỏ mà cô nhân viên lễ tân tốt bụng mua giúp. Ngoài trời mưa lất phất, đắp chăn cuộn mình nằm đợi trời sáng, giấc ngủ chập chờn giúp tôi tạm thời quên đi cơn đói.

Buổi ăn sáng của chúng tôi là món mì đặc trưng được nấu theo khẩu vị của người Hồi giáo, có nhiều ớt khá cay, một quả trứng gà luộc tẩm thuốc bắc, một cốc sữa dê tráng miệng, ngần ấy cũng có thể được xem như là đủ năng lượng cho một ngày mới. Vì chưa có xe để đi Golog ngay, phải đợi đến hôm sau, nên chúng tôi quyết định tham quan tu viện Kumbum, một tu viện khá đẹp và có lịch sử lâu đời của người Tạng.

Tu viện Kumbum nằm ở huyện Hoàng Trung, cách tỉnh lỵ Tây Ninh khoảng 27 km về phía tây nam. Trong tiếng Tạng, Kumbum có nghĩa là 1.000 hình ảnh. Tương truyền, tổ sư của dòng truyền thừa Gelug là Tsongkhapa (Tông Khách Ba) được sinh ra tại đây vào năm 1357. Lúc cắt rốn, bà mụ đã để rơi xuống đất một giọt máu, tại đấy mọc lên một cây đàn hương (sandalwood), trên cây có một ngàn chiếc lá, mỗi chiếc đều in hình một vị Phật. Mẹ của ngài đã cho xây một điện thờ Phật nhỏ dưới gốc cây đàn hương. Khoảng năm 1560, Đức Đalai Lama thứ 3 là Sonam Gyatso cho xây dựng tu viện Kumbum tại địa điểm ngày nay.

Tu viện Kumbum có quy mô khá lớn, bên trong khuôn viên tu viện có rất nhiều bảo tháp. Trong gian thờ chính có nhiều tranh tượng và các loại phướn để thờ cúng và trang trí. Những ngọn lửa tí tách cháy, ánh sáng vàng ấm tạo nên không gian tâm linh rất đặc trưng của dòng Phật giáo Tây Tạng…

Ve vung dat thieng Golog

Bảo tháp Lung Ngon

Thêm 9 giờ vượt đèo, leo dốc…

Một chiếc xe bốn chỗ được đặt trước, bác tài xế người Tạng đến đón, chúng tôi rời khách sạn từ lúc 5 giờ sáng. Những làng mạc thưa dần, thay vào đó là khung cảnh của những vùng núi cao, vùng đất khô cằn nhưng lạnh lẽo, xa xa lác đác một vài ngôi nhà, thỉnh thoảng có một đàn trâu Yak đang cúi đầu tìm những cọng cỏ khô còn sót lại trên mặt đất nhiều sỏi đá. Chúng tôi đi về Golog, một trong sáu huyện của tỉnh Thanh Hải. Tỉnh Thanh Hải diện tích khoảng 77.000 km2, dân số gần 160.000 người, hầu hết là người Tạng, trung tâm là thị trấn Dawu.

Golog nằm ở cao độ khoảng 4.000 m so với mặt nước biển. Nơi cao nhất là dãy Amnye Machen – 6.282 m, một trong những ngọn núi thiêng của người Tạng. Còn lại là đồi núi chập chùng, những ngọn núi đá dựng đứng, cảnh quan nơi đây vô cùng hùng vĩ. Xa xa, chúng tôi nhìn thấy những dãy cờ phướn đủ màu sắc mà người Tạng dùng để cúng Mandala phấp phới bay trong gió, dường như tất cả tấm lòng thành kính đối với phật pháp được người Tạng gửi hết vào đây.

Sau hơn gần 9 giờ lái xe vượt qua những đèo dốc quanh co khúc khuỷu, chúng tôi mới đến được Golog.

Đêm ở tu viện Lung Ngon

Điểm dừng chân chính của chúng tôi ở Golog là tu viện Lung Ngon. Tu viện nằm ở vị trí khá đẹp và biệt lập, được xây dựng vào khoảng những năm 1820 bởi tổ sư Khyentse Yeshe Dorie. Lúc đầu, tu viện chỉ là một túp lều nhỏ, nhưng ngày nay đã phát triển với quy mô khá lớn. Tu viện được chia làm nhiều khu vực, khu nghỉ ngơi của các tu sĩ, khu các bảo tháp, khu chánh điện…

Sau chặng đường dài khá vất vả, không khí lạnh và loãng, đêm đến, chúng tôi đều thấy hơi choáng và mệt. Hội chứng độ cao đã xuất hiện, tôi chìm vào trong giấc ngủ nông nhưng nhiều mộng mị, những hình tròn xoắn ốc nhiều màu sắc, những cơn lốc xoay tròn với đủ hình thù và quang phổ khác nhau, tôi lơ mơ cảm thấy mình đang đi về một vùng đất thanh vắng, không một bóng cây, không một bóng người.

Khi ngoài trời nhiệt độ xuống dưới -5 0 C, cái lò sưởi di động bé xíu không đủ ấm đã làm tôi tỉnh giấc, bước ra ngoài để đi về hướng chánh điện. Một cơn gió lạnh buốt thổi vào mặt, trăng thượng tuần tháng 3 sáng vừa đủ để nhìn thấy ngọn tháp của tu viện vươn lên giữa bầu trời đêm, một vài ngôi sao chiếu ánh sáng lạnh lẽo, trên bầu trời những bông tuyết lất phất bay trong gió. Nghe vọng tiếng chó đêm sủa bâng quơ từ một ngôi làng của người Tạng cách đó không xa, tôi chợt nghĩ về kiếp người, những nẻo đường giải thoát. Trong chốn nhân gian đầy toan tính, ta đến đây để rong chơi trải nghiệm lẽ vô thường, hay chính ta cũng đang góp vào dòng đời những nỗi sân si. Và rồi một ngày nào đó khi giã từ cuộc sống, ta sẽ mang theo được cho mình những gì? Vật chất, địa vị, hay chỉ là một bàn tay khép hờ níu lấy một chữ “không”?<br>
Vậy, hà cớ gì ta không thể cho đi thêm nữa những yêu thương, phải chăng cuộc sống sẽ đẹp hơn từ những trái tim chân tình biết sẻ chia…

Theo www.thanhnien.com.vn
Từ khóa tìm kiếm: vung dat, moi den, tinh thanh hai, chung toi, vien kumbum, kha dep, cay dan huong, quy mo kha lon, vai ngoi, nhung ngon nui, nguoi tang, bay trong gio, vien lung ngon, chi, khong mot bong, cuoc song ta,

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *