Vì sao vật chất không mang đến hạnh phúc?

Vật chất hay nói đúng hơn là tiền có thể mua được hạnh phúc hay không? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời nằm ở lưng chừng có và không. Lý do cho điều này là bởi vì tất cả mọi người đã lớn lên trong tầm nhìn riêng của mình trên thế giới. Không có ai có cuộc sống giống hệt nhau và kết quả ý kiến sẽ đưa ra nhiều ý kiến với suy nghĩ riêng của từng người. Đặc biệt là khi xem xét tất cả các yếu tố khác nhau của cuộc sống bao gồm nhưng không giới hạn: tài chính, kinh nghiệm quá khứ, làm cha mẹ, môi trường, và các sự kiện hiện tại.

Cảm thấy thất vọng? Câu trả lời không phải là có nhiều đồ dùng hơn. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy dùng tiền để trải nghiệm (chứ đừng dùng để mua đồ đạc).

Điều bạn muốn là niềm vui chứ không phải là sự giàu có. Nhiều người lầm tưởng rằng tiền có thể mua được hạnh phúc. Đúng là tiền có khả năng hỗ trợ bạn đạt được mục tiêu, chăm lo cho cuộc sống tương lai và khiến cho cuộc sống ấy trở nên thú vị hơn, nhưng nếu chỉ có tiền không thôi thì cũng chưa đảm bảo được hạnh phúc
vi sao vat chat khong mang den hanh phuc
Vật chất và hạnh phúc


Nhiều người trong số chúng ta (bao gồm cả tôi)  tin rằng có nhiều tiền hơn là điều kiện then chốt mang lại một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp hơn chính là việc có nhiều niềm vui. Đối với một số người, có nhiều niềm vui hơn đồng nghĩa với việc có nhiều tiền hơn. Nhưng theo nghiên cứu ông Tal Ben-Shahar đã chia sẻ trong cuốn Happier của mình, hầu hết chúng ta đều sẽ hạnh phúc hơn nhờ những điều sau đây:
  • Biến những việc tưởng như vô vị trở nên thú vị.
  • Bày tỏ lòng biết ơn đối với những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
  • Xây dựng những mục tiêu quan trọng dựa trên niềm tin và niềm đam mê của mình.
  • Phát huy những điểm mạnh của mình thay vì cứ đắm chìm mãi vào những điểm yếu
  • Đơn giản hóa cuộc sống- không chỉ là vật chất mà còn về thời gian.
Việc áp dụng những nguyên tắc này vào thực tế cuộc sống sẽ khiến chúng ta sống vui vẻ hơn việc được thăng tiến ở công ty-đặc biệt thu nhập cao sẽ chỉ dẫn đến chi tiêu nhiều hơn. Khi chúng ta quá tập trung vào những mục tiêu tài chính, chúng ta có nguy cơ bị mắc kẹt vào hội chứng nghiện  công việc để kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này không hề mang đến hạnh phúc.

Tiền bạc có thể mua được hạnh phúc?

Tất nhiên là tải sản và hạnh phúc có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Theo một chuyên gia tài chính- ông Jonathan Clements, tình hình ổn định tài chính có thể tăng hạnh phúc theo 3 cách:
Một khi bạn đã có tiền bạn chẳng phải lo lắng về nó nữa. Bằng việc chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được, bạn có thể kiểm soát tài chính của mình ở một mức độ nhất định thậm chí nếu bạn không hề giàu có.
Tiền bạc cho phép bạn tự do theo đuổi đam mê. Bạn muốn thoát khỏi rắc rối gì trong cuộc sống? Điều gì khiến bạn nhận thức rõ hơn về mục tiêu cá nhân? Đây đều là những điều mà bạn muốn theo đuổi khi nghỉ hưu. Tốt hơn hết là cố định hướng nghề nghiệp dựa trên thứ mà bạn thích làm.
Tiền bạc có thể giúp bạn mua được thời gian ở bên bạn bè và gia đình. Ông Clements nói rằng trên thực tế, giàu có thực sự đến từ các mối quan hệ chứ không phải từ các tờ giấy bạc. Mối quan hệ xã hội đáng giá hơn vốn tài chính.
Tiền bạc là một công cụ và giống như bất cứ công cụ nào, nó được sử dụng để tạo ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng nếu bạn không cẩn thận; không có kế hoạch, cuộc sống mà bạn tạo nên nhờ tiền bạc có thể rất mong manh-thậm chí là nguy hiểm. Và sau đây là những lý do vật chất không thể mang lại hạnh phúc.
1. Hứng thú rồi sẽ giảm dần.

Có đồ mới sẽ mang đến sự hài lòng nhất thời, chắc chắn rồi, nhưng hạnh phúc lâu dài? Không hẳn đâu. Sở hữu mẫu iPhone mới nhất có thể sẽ rất tuyệt, nhưng hãy yên tâm rằng thậm chí mẫu mới hơn (và tốt hơn) sẽ ra mắt. Rồi những thứ mà bạn sở hữu sẽ luôn có những mẫu khác tốt hơn, vì vậy hãy bỏ nhu cầu phải có thứ mới-nhất-và-tốt-nhất-đi và bạn sẽ hạnh phúc với những gì mà mình có.

2. Nó sẽ làm bạn phân tâm khỏi những thứ thật sự quan trọng.

Theo đuổi vật chất sẽ khiến bạn phân tâm khỏi một thứ quan trọng: theo đuổi mục tiêu. Có thể khá khó để giữ được hứng thú với mục tiêu của mình khi mà thành công đòi hỏi sự kiên nhẫn (thứ ngược lại với sự thỏa mãn tạm thời mà vật chất mang đến cho bạn). Nhưng bạn có nghĩ rằng đạt được một mục tiêu có ý nghĩa với mình sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn việc có một đống đồ đạc rồi khiến bạn cảm thấy trống rỗng trước khi có thể nhận ra điều đó không?

3. Có càng nhiều, khao khát càng cao.

Bạn đã từng chú ý rằng con nít có thể mở quà, nhìn một thoáng và rồi ném nó sang bên cạnh không hề chần chừ để mở món quà khác không? Hành động này minh họa cho chuyện sẽ diễn ra nếu bạn say mê những thỏa mãn nhất thời đi kèm với vật chất. Cho dù bạn có nhiều bao nhiêu đi nữa, bạn vẫn sẽ cảm thấy không đủ. Đó là bởi vì bạn đang cố bổ khuyết khoảng trống rỗng về cảm xúc bằng một thứ vật chất.

4. Bạn hầu như không thể dùng hết đồ đạc được.

Có nhiều đồ đạc thì hay ho gì nếu như bạn không thật sự dùng hết chúng? Mớ phim mà bạn không xem, sách mà bạn không đọc và quần áo mà bạn không mặc có thể mang tặng cho bạn bè, bán cho cửa hàng mua bán đồ cũ hay đóng góp cho từ thiện. Nếu không sử dụng nó, có lẽ bạn cũng nên làm ra tiền (hoặc khiến người khác vui vẻ) với nó.

5. Ít đồ hơn = ít bừa bộn hơn = ít stress hơn

Một ngôi nhà ngăn nắp sẽ khiến bạn cảm thấy gọn gàng và hạnh phúc. Điều này không có nghĩa là bạn cần bỏ hết những món đồ từng dùng hay làm những chuyện khác quyết liệt hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng sống trong ngôi nhà bừa bộn sẽ khiến bạn cảm thấy rất stress. Hãy đối mặt với sự thật rằng: Bạn luôn có nhiều hơn mà bạn có thể cần. Nếu một tên trộm lẻn vào nhà và chôm đi món đồ nào đó (trừ khi là thứ quá hiển nhiên hay quá mắc), thì chưa chắc bạn sẽ nhận ra nó đã bị trộm. Đừng ngần ngại mà hãy bỏ những thứ không thiết đi. Vài tuần sau, hãy bắt đầu từ từ dọn dẹp nhà cửa và hỏi bản thân rằng: ‘ Mình có thứ nào có chức năng giống cái này, mà tốt hơn không?’ Và nếu câu trả lời là ‘Có’, hãy bỏ nó đi.

6. Có nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn.

Nghiên cứu trong tờ báo về Tâm lý học đã nhận ra rằng có nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn (ngược lại còn tệ hơn!). Sao có thể như thế? Những người giàu đã quên làm thế nào để tận hưởng cuộc sống. Tận hưởng là một khả năng mở ra những trải nghiệm cảm xúc tích cực. Ví dụ như, một kỳ nghỉ sẽ có ba giai đoạn:

  • Hứng thú trước khi đi (nói với đồng nghiệp về việc bạn đã phấn khởi đến mức nào, và rất trông chờ được đặt chân lên bờ cát)
  • Bản thân kỳ nghỉ
  • Hồi ức sau kỳ nghỉ (lại nói về bạn đã vui vẻ đến mức nào, chụp một mớ hình và chia sẻ với bạn bè)
Có thể sống trong một cuộc sống xa hoa dường như khiến việc tận hưởng những thứ nhỏ bé khó hơn. Hãy chậm lại, sống cuộc sống hiện tại và tận hưởng mọi trải nghiệm tích cực để có những nụ cười lâu dài hơn.

7. Không thể mua hạnh phúc ở cửa hàng.

Hạnh phúc không phải là một thứ hiện hữu mà bạn có thể mua nó giảm giá vào ngày Thứ sáu tăm tối được. Nếu bạn muốn mua thứ gì đó có thể mang đến hạnh phúc, hãy dùng tiền để trải nghiệm (không phải là vật chất). Niềm vui khi mua đồ sẽ phai dần theo thời gian, khi mà bạn đã quen với việc có nó rồi (ví dụ như khi nó không còn ‘lấp lánh’ và ‘mới mẻ’ nữa). Nhưng dùng tiền để trải nghiệm sẽ giúp bạn đến gần những người mà mình yêu thương hơn, và mang đến cho bạn những ký ức tuyệt đẹp mà cả đời bạn sẽ nhớ mãi.

Những bài học kinh nghiệm

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc theo đuổi tiền bạc ít có khả năng mang đến sự thỏa mãn cá nhân hơn việc tập trung vào việc tự hoàn thiện và đặc biệt là, một mối quan hệ có ý nghĩa với những người khác. Đây là một số bài học tôi đã học được trong suốt nghiên cứu của mình về sự liên kết giữa tiền bạc và sự giàu có. Những ý tưởng nêu trên không phải do tôi tự bịa ra; chúng là kết quả của nghiên cứu khoa học về những điều khiến chúng ta hạnh phúc:
Những người thực dụng thường  ít hạnh phúc hơn. Nếu mục tiêu của bạn là có nhiều của cải hơn, bạn sẽ cảm thấy ít hài lòng hơn những người có mục tiêu được xây dựng trên các mối quan hệ hay sự thỏa mãn về tinh thần. (Bởi vì tôi là một người theo qui tắc Perma- qui tắc về cân bằng cuộc sống, tôi luôn khắc cốt ghi tâm  lời Công chúa Leia nói với Han Solo trong bộ phim “Cuộc chiến giữa các vì sao”: “ Nếu thứ duy nhất bạn cần là tiền, thì tất cả những gì bạn nhận được chỉ là tiền, không hơn”)
Thắt lưng buộc bụng cũng không mang lại hạnh phúc. Tuy rằng, việc tiết kiệm cho tương lai rất quan trọng (và việc giải quyết những tình huống khẩn cấp hiện thời cũng vậy), nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc quá tiết kiệm thực sự có thể ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu bạn đang đạt được mục tiêu tiết kiệm rồi, dành chút ít để mua những thứ khiến bạn vui vẻ thì lại không hề gì.
Thứ tạo ra niềm vui là trải nghiệm chứ không phải vật chất. Khi chi tiền để mua trải nghiệm thì bạn sẽ có những cảm xúc khác so với việc chi tiền chỉ để sở hữu đồ vật. Nó khiến cho bạn gia tăng cảm xúc, sự thoải mái và niềm vui. Do đó việc dành tiền vào các hoạt động hay trải nghiệm thay vì của cải vật chất hầu hết đều khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
Khi chúng ta bớt  những kỳ vọng không tưởng, niềm vui sẽ tăng lên. Bị đố kị bởi những người xung quanh, ám ảnh bởi các chương trình quảng cáo hoàn mỹ, đây là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh kì vọng/ đòi hỏi cao của chúng ta trong xã hội hiện đại. Chúng ta nhìn vào màn ảnh và cho rằng những thứ đó là nghiễm nhiên, và vì chúng ta chưa từng sở hữu chúng, chúng ta cảm thấy hèn kém. Nhưng lòng tham của con người là vô đáy, đến một thời điểm nào đó chúng ta mới bất ngờ phát hiện ra bản thân đã lún sâu vào căn bệnh kì vọng cao này. Nhưng nếu chúng ta có thể ý thức được việc quản lý các kỳ vọng của mình-cả về tài chính và những thứ khác-chúng ta có thể khiến bản thân hạnh phúc hơn.
Chỉ có duy nhất một cách để cảm thấy thỏa mãn với số tiền mà bạn có. Bạn phải định nghĩa được : ”Bao nhiêu tiền là ĐỦ?”. Niềm vui thực sự chỉ đến với bạn khi bạn có thể học được cách thỏa mãn những gì mình có. Nếu bạn không dành thời gian tính xem ĐỦ có nghĩa là như thế nào với bản thân thì tình hình tài chính của bạn sẽ chẳng bao giờ khiến bạn hạnh phúc.

Vậy bao nhiêu mới là đủ?

Mỗi người trong số chúng ta nhìn nhận khái niệm “Đủ” rất khác nhau. Không chỉ là sự khác biệt về khái niệm lượng tiền mà còn về những kiểu giàu có khác nhau. Đối với tôi, “Đủ” có nghĩa là có đủ tiền để trang trải cho ngôi nhà của mình, dành dụm đủ tiền để mua những cuốn sách và thỉnh thoảng đưa bà xã đi ăn hàng. Đối với bạn; “Đủ” có thể là sống trong một căn hộ nhỏ nhưng sở hữu một phi thuyền và có thể tự do căng buồm trong suốt vài tháng liền.
Để tìm hiểu khái niệm ĐỦ, bạn phải đặt ra các mục tiêu. Bạn phải nhìn sâu bên trong con người bạn để tìm kiếm giá trị bản thân. Nắm rõ được điều gì khiến cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa có thể khiến bạn mất hàng tháng hoặc hằng năm, nhưng sau khi bạn đã làm được điều này, bạn có thể đưa ra những lựa chọn đúng với nguyên tắc sống của mình.
Xét cho cùng thì đó là lí do chúng ta kiếm tiền có phải không? Ta không làm giàu để có thể tắm trong một xô tiền. Ta kiếm tiền để không phải lo lắng về nó nữa, để có thể theo đuổi đam mê , và để  dành thời gian với gia đình và người thân.
Các bạn hãy luôn ghi nhớ: Giàu có thật sự không phải là giàu về tiền bạc. Giàu có thật sự là giàu về các mối quan hệ, sức khỏe tốt và không ngừng tự hoàn thiện mình. Giàu có thực sự là niềm vui. Nói tóm lại, hạnh phúc quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều.
Blogsudo 

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *