15 điều bạn không nên nói

Không cần biết tài năng hay được việc như thế nào, có những câu hoặc những lời nói bạn đừng nên thốt ra nếu không muốn người đối diện hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận của họ về bạn, thậm chí họ còn có định kiến không tích cực về chính con người bạn.
Đôi khi những lời bạn nói ra không hẳn đúng với suy nghĩ của mình nhưng những người khác lại không nghĩ đơn giản như vậy. Họ cho rằng những câu nói ấy thể hiện quan điểm, hành động và sâu xa hơn là nhân sinh quan của bản thân bạn. Vì vậy có những thời điểm có những hoàn cảnh, một lời nói ra cần phải được suy xét cẩn thận.

1. “Tôi không thể”

“Không thể” là một từ tạo nên bức tường ngăn cách giữa bạn và mục tiêu của mình, khiến cho bạn gần như là đã thất bại khi còn chưa kịp bắt đầu. Một người thông thái trước đây từng nói với tôi rằng chẳng có điều gì là “không thể” cả. Tốt nhất là bạn hãy xem xét sự việc kỹ càng và cho mình một cơ hội thành công bằng cách tránh xa từ này ra.

Câu nói này có tác dụng tiêu cực. Khi bạn thốt ra câu nói trên chứng tỏ bạn không sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để hoàn thành việc gì đó. Nếu thật sự bạn không thể làm bởi thiếu kỹ năng hoặc vì một lý do bất khả kháng nào đó, bạn hoàn toàn có thể suy nghĩ và tìm ra một giải pháp mới để giải quyết vấn đề. 
2. “Điều đó thật không công bằng.”
Bill Gates đã từng nói rằng “Cuộc sống chẳng công bằng tẹo nào.” và tốt nhất bạn đừng nên lặp lại câu nói này bởi ai mà chẳng biết điều đó. Người khác nghe phải câu nói này liên tục từ bạn họ sẽ rằng bạn thật nông nổi, trẻ con, ngại khó ngại khổ và lúc nào nhìn cuộc sống qua lăng kính của sự thất bại.

 Nếu bạn cảm thấy rằng tài năng, năng lực của mình xứng đáng nhận được nhiều cơ hội hơn thì hãy thẳng thắn bày tỏ trực tiếp với người đối diện và tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại xảy ra như thế, thay vì luôn than thở và nói những câu càng làm mất hình tượng bản thân.

3. “Không vấn đề gì”
Một câu nói có vẻ lịch sự và thường được dùng phổ biến mỗi khi ai đó cảm ơn bạn vì đã giúp đỡ hoặc nhờ bạn làm một việc gì đó. Tuy vậy những người thông minh sẽ không dùng “Không vấn đề gì/Không sao cả” vì câu nói này tạo cảm giác cho người đối diện rằng họ thật sự là một “vấn đề” đối với bạn. Thay vào đó có thể dùng những câu nói khác như “Đây là vinh hạnh của tôi.” hoặc “Tôi rất vui khi giúp đỡ bạn.” sẽ khiến cả đôi bên đều rất thoải mái.
4. “Tuy hơi ngớ ngẩn một tí nhưng tôi xin hỏi …”
Đừng bao giờ đánh giá thấp bản thân bằng những câu mào đâu như thế bởi chúng đang chỉ rõ sự thiếu tự tin ở bạn. Thay vào đó hãy tự bình tĩnh và trình bày lưu loát những gì đang ở chạy qua trong đầu của bạn.

5. “Tôi sẽ thử”

Đã bao giờ bạn “thử” đứng lên chưa ? Hãy thử đứng lên ngay bây giờ xem nào. Rồi, bạn đứng lên chưa ? Chưa đâu, bởi vì bạn không thể “thử” làm điều gì được. KHi chúng ta nói “Tôi sẽ thử”, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa sẵn sàng để đưa ra lời cam kết. Như nhân vật Yoda trong bộ phim Star wars từng nói : Chỉ có làm hay không làm, chứ không có “thử”.
6. “Chỉ mất 5 phút để làm thôi.”
Không ai sẽ cho rằng bạn là một người siêu phàm khi hoàn tất nhiệm vụ khó nhằn chỉ trong 5 phút (nếu kết quả thật sự xuất sắc thì xin chúc mừng bạn). Thay vào đó họ sẽ nghĩ rằng bạn chỉ làm qua loa cho xong chuyện và chẳng toàn tâm toàn ý cho công việc.

Lời khuyên rằng nếu bạn thật sự có khả năng hoàn thành tất cả trong thời gian ngắn thì cũng đừng nên quá phô trương, mà hãy nhấn mạnh rằng “Việc này sẽ không mất nhiều thời gian và tôi sẽ cố gắng hoàn thành chúng trong thời gian nhanh nhất có thể.”. Mọi người sẽ nhận ra là bạn rất có trách nhiệm và kết thúc mọi thứ trong thời gian nhanh nhất.

7. “Tôi sẽ cố gắng.”
Thông thường chúng ta sẽ nói câu này khi được giao một nhiệm vụ hoặc một dự án nào đó. Tuy vậy người tinh ý sẽ nhận ra rằng đằng sau câu nói ấy bạn sẽ chẳng cố gắng hết sức đâu. Bởi họ nhìn thấy được sự thiếu tự tin trầm trọng của bạn trong việc hoàn thành mục tiêu này. Lẽ dĩ nhiên những ai thông minh cũng sẽ không dại dột mà nói câu nói này. Vậy họ sẽ nói gì? “Tôi sẽ hoàn thành.”,”Tôi sẽ làm được.” … là một vài ví dụ tốt bạn có thể tham khảo.

8. “Điều này đã có người làm rồi”
Chắc chắn rằng người nghe sẽ cho rằng bạn là một người lười biếng và ngại thay đổi khi bạn trả lời như thế về việc người ta đề nghị bạn một hướng giải quyết mới. Bạn nghĩ rằng điều này đã có người đi trước từng làm và đã thành công thì sẽ không có cơ hội dành cho bạn? Sai rồi! Kể cả khi con đường đó đã có hàng tá người đi qua thì bạn vẫn có thể phát hiện được những điều kỳ diệu hơn.
9. “Tôi ghét việc này.”
Người khôn ngoan sẽ không bao giờ nói câu nói này kể cả sự thật là như vậy. Bởi chúng sẽ khiến họ mang “tiếng” là người có quan điểm sống tiêu cực và sẵn sàng kéo toàn đội xuống vũng bùn trong bất công việc nào

10. “Tôi ước rằng tôi đã không …..”

Đây là một kiểu than vãn điển hình. Chẳng ai thích thú với việc nghe người khác rên rỉ, bên cạnh đó, làm như vậy cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nếu bạn không thích điều gì, hãy làm gì đó và thay đổi hoàn cảnh của mình. Còn nếu không, bạn cũng nên sống chung với nó cùng một nụ cười.

11. “Đáng lẽ ra tôi phải…”

Bản thân từ “đáng lẽ” đã mang tính tiêu cực. Nó thể hiện sự thua cuộc, và sẽ không dẫn tới điều gì tích cực trong cuộc sống cả. Đây là một dạng phê bình, và tốt hơn hết là bạn nên loại bỏ cụm từ này ra khỏi lời nói thường ngày của mình. Thay vì tự dày vò mình bởi những điều mình “đáng lẽ ra phải làm”, hãy tập trung vào những vấn đề bạn có thể thay đổi được.

12. “Tôi cần…”

Bao nhiêu lần bạn kêu ca rằng mình “cần” cái gì đó ? và ngược lại, bạn có thực sự cần nó thường xuyên tới mức ấy không ? Từ “cần” diễn tả sự phụ thuộc một cách không lành mạnh. Lần tiếp theo thấy mình tự nhủ như vậy, bạn hãy nghỉ lại và cân nhắc xem có đúng là bạn cần thứ đó hay không. Nếu câu trả lời là không thì hãy mặc kệ nó đi và cố gắng giảm thiếu những tác động tiêu cực của nó đến bản thân bạn.

13. “Đó không phải là lỗi của tôi.”
Không bao giờ là một ý tưởng tốt nếu chối bỏ trách nhiệm của mình. Nếu bạn có bất kỳ sự liên quan nào (dù ít hay nhỏ) với vấn đề đang xảy ra hãy thừa nhận lỗi lầm. Còn nếu không bạn có thể đề xuất một số giải pháp hoặc một lời giải thích trung lập. Đừng cố gắng gào lên rằng bạn hoàn toàn chẳng có lỗi gì trong việc này bởi vô hình chung mọi người sẽ cho rằng bạn là người thiếu trách nhiệm. Một số sẽ tránh không làm việc cùng bạn, một số khác sẽ “chỉ điểm” bạn nếu có vấn đề xảy ra.

14. Chào hỏi bằng những câu kiểu như “không tệ” hoặc “thế này là tốt lắm rồi”

Những câu chào hỏi kiểu này tôi gặp rất thường xuyên. Nhiều người lạm dụng chúng mà thậm chí không hề nghĩ xem họ đang nói gì. Trả lời như vậy rất tiêu cực. Thay vào đó, sao bạn không nói điều gì đó tích cực hơn ? hoặc ít nhất là tỏ ra trung thực? (Chẳng có gì tệ bằng việc bạn cứ khen hoài trong khi thực ra bạn không hề nghĩ thế)

15. “Không bao giờ.”

Cụm từ “không bao giờ ” sẽ ngay lập tức tạo ra một giới hạn trong cuộc sống của bạn, và một khi bạn đã nói ra điều đó, hiếm khi sự việc mà bạn đề cập đến lại thực sự xảy ra. Nó ngăn cản bạn tìm ra giải pháp và tạo ra những hạn mức không cần thiết. Hãy xác định từ bây giờ rằng bạn sẽ không nói từ “không bao giờ ” nữa .

Hãy suy nghĩ cẩn thận những điều bạn sẽ nói ra để không làm mất đi những người bạn, người thân hay những người đồng nghiệp. Đôi khi một lời nói thôi có thể sẽ làm ai đó mỉm cười và trân trọng hơn mối quan hệ đang có với bạn.

Một số thông tin được dịch bởi Pixax từ bài viết của Zoe B (Lifehack)
Ms. Su – Blogsudo

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *