Chế độ lao động đảm bảo sức khỏe

Làm việc thế nào, dinh dưỡng trong quá trình lao động như thế nào để vừa đạt năng suất cao nhất vừa đảm bảo được sức khỏe các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây:

Trong lao động, sức khỏe của con người phần lớn chịu ảnh hưởng của điều kiện lao động gồm các yếu tố lý, hóa, vi sinh vật môi trường làm việc, yếu tố tâm sinh lý và tổ chức lao động. Vấn đề quá tải trong lao động do phải tăng cường độ và thời gian lao động là vấn đề gặp phải ở nhiều quốc gia. Vào năm 2000, một tỷ lệ đáng kể người Mỹ làm việc rất nhiều giờ trong một tuần.

Theo một ước tính, hơn 26% nam giới và hơn 11% phụ nữ làm việc 50 giờ một tuần hoặc nhiều hơn. Có sự gia tăng số giờ lao động tại nơi làm việc đối với cả giới nam và nữ (trên 40 giờ/tuần), và có sự gia tăng đáng kể trong thời gian làm việc của các cặp vợ chồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng có con nhỏ. Theo kết quả điều tra của các nước trong liên minh châu Âu, tỷ lệ lao động làm việc với cường độ cao ít nhất là một phần tư thời gian làm việc là 48% năm 1990, tăng lên 54% vào năm 1995 và 56% năm 2000.

Quy định về thời gian lao động

Theo công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Orgnization, viết tắt ILO), thời gian lao động trong tuần được quy định ít hơn hoặc bằng 48 giờ. Khoảng thời gian này được thiết lập nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động, tăng năng xuất và tái sản xuất sức lao động.

Tại Việt Nam,  theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012, tại điều 104: Thời gian lao động một ngày không quá 8 giờ và trong một tuần không quá 48 giờ làm việc.Với những người làm nghề nặng học độc hại, nguy hiểm thời gian lao động không quá 6 giờ/ngày. Trong trường hợp làm thêm giờ thì phải được sự đồng ý của người lao động, thời gian làm thêm không quá 50% số giờ làm việc trong ngày (tổng thời gian lao động không quá 12 giờ/ngày), thời gian làm thêm không quá 30 giờ/tuần và 200 giờ/năm trừ trường hợp đặc biệt được chính phủ quy định thì thời gian làm thêm không quá 300 giờ /năm.

Sự gia tăng cường độ và thời gian lao động không hợp lý do yêu cầu của người sử dụng lao động nhằm hoàn thành công việc, trong khi quyền lợi của người lao động không được đảm bảo đã dẫn tới những sự việc không mong muốn. Sự kiện gần đây khi gần 500 lao động của Công ty Cổ phần May và Thương mại Ngân Hà (xã Thanh Lưu, Huyện Thanh Liêm, Tỉnh Hà Nam) ngừng việc để phản đối doanh nghiệp khi họ phải lao động quá sức như một lời cảnh tỉnh cho công tác quản lý và sử dụng lao động.

Thời gian lao động để đảm bảo sức khỏe cho bạn là 7 đến 8 tiếng 1 ngày. Qúa thời gian trên bạn sẽ làm việc với năng suất thấp, tinh thần uể oải. Vậy nên bạn nên đảm bảo thời gian làm việc tối đa trong ngày của mình.

Ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe con người

Khối lượng công việc gia tăng mà không có đủ thời gian nghỉ ngơi có thể dẫn đến những phản ứng sinh lý của cơ thể như tình trạng mệt mỏi trong lao động, sự lo lắng, buồn phiền, các triệu chứng ảnh hưởng của hệ cơ xương như đau lưng, nhức đầu và các rối loạn tiêu hóa.

Gánh nặng lao động quá mức cũng được nhận thấy là có mối liên quan với tình trạng bệnh huyết áp, tim mạch, tình trạng rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của người lao động. Chúng ta có thể thấy những dấu hiệu của tình trạng quá tải công việc ở người lao động  khi họ trở nên kém linh hoạt, dễ bị kích thích, dễ nóng nảy, hoài nghi, xa cách.
Một nghiên cứu y khoa tiến hành trên 7000 công nhân lao động ở độ tuổi trung niên tại Anh đăng trên tạp chí Internal Medicine tháng 4 năm 2011 cho thấy tình trạng đáng báo động. Theo đó, những người lao động phải làm việc trên 11 giờ/ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 67% so với những người lao động 8 tiếng/ngày, nguy cơ mắc chứng trầm cảm tăng cao găp 2,5 lần.

Với những trường hợp lao động ca kíp đặc biệt là lao động ca đêm ở phụ nữ còn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ II, nguy cơ này tăng lên 20% với những phụ nữ làm ca đêm từ 3 đến 9 năm, 40%ở những phụ nữ làm ca đêm từ 10 đến 19 năm và 58% ở những phụ nữ làm ca đêm trên 20 năm.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng công việc căng thẳng, áp lực từ công việc, stress tâm lý trong lao động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng nguy cơ rối loạn cơ xương, mức độ căng thẳng trong công việc cũng làm gia tăng đáng kể các vấn đề về sức khỏe và do đó làm gia tăng việc sử dụng các dịch vụ y tế và tăng chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe, gây nên nhiều vấn đề về tài chính và những căng thẳng trong gia đình.

Lao động  trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội nhưng sức khỏe là tài sản quý mà bản thân người lao động cũng như các doanh nghiệp cần phải quan tâm, bao gồm đảm bảo chế độ dinh dưỡng và khám, theo dõi sức khỏe định kỳ. Sau đây là chế độ dinh dưỡng hợp lý cho 1 ngày làm việc mệt mỏi:
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng 

Đôi khi đời sống khó khăn, thu nhập khiêm tốn, lại chủ quan nên ta dễ bỏ qua sự chăm sóc dinh dưỡng cho bản thân, ăn uống qua loa cho qua bữa mà chưa quan tâm đến giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn. Điều này hết sức nguy hiểm nếu kéo dài sẽ dẫn đến kiệt sức, phát sinh bệnh tật, đặc biệt với những ngành nghề chuyên biệt, những công nhân phải tăng ca thường xuyên… Dinh dưỡng cho công nhân thế nào là đúng?
Nhu cầu năng lượng
Phụ thuộc vào tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý, trọng lượng cơ thể, loại hình lao động, cường độ, thời gian lao động, tính chất cơ giới hóa và tự động hóa của quá trình sản xuất… Trong cùng một nhà máy, xí nghiệp các vị trí công việc khác nhau nhu cầu năng luợng cũng khác nhau.
Người ta chia lao động theo các mức độ:
– Lao động nhẹ gồm: Nhân viên văn phòng, nội trợ…
– Lao động vừa: Công nhân công nghiệp nhẹ, công nhân xây dựng, lao động nông nghiệp, đánh bắt cá, chiến sĩ quân đội không trong quá trình tập luyện…
– Lao động nặng: Lao động nông nghiệp mùa thu hoạch, công nhân mỏ, luyện thép, chiến sĩ quân đội trong quá trình tập luyện, vận động viên thể thao…
Nhu cầu các chất dinh dưỡng
– Protein: Khẩu phần người lao động cần có tỷ lệ từ 12-14% năng lượng do protein. Lượng protein ăn vào càng cao khi lao động càng nặng. Lượng protein động vật nên chiếm 30-35% tổng số protein. Lượng protein tối thiểu được khuyến nghị là 1,25g/kg/ngày. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu… 100g thịt (cá nạc) cung cấp khoảng 20g protein, tương đương 200g đậu hủ, 3 quả trứng gà, 2 quả trứng vịt, 120g tôm còn vỏ…
– Lipid: Nên chiếm 18-25% nhu cầu năng lượng, nếu thiếu lipid có thể gây mất lớp mỡ dưới da, suy dinh dưỡng, giảm hấp thu các vitamin cần thiết tan trong chất béo… thừa lipid có thể gây thừa cân béo phì. Nên sử dụng dầu, các hạt có dầu, nên ăn khoảng 20g dầu/người/ngày.  
– Carbohydrate: Nên chiếm 60-65% nhu cầu năng lượng, nếu thiếu carbohydrat trong khẩu phần gây sút cân và mệt mỏi, nếu ăn nhiều gây thừa cân béo phì. Nên ăn các loại carbohydrat phức hợp có trong gạo, ngũ cốc, hạn chế các loại đường ngọt. Mỗi ngày trung bình mỗi người cần 300g lương thực (gạo, ngũ cốc, khoai củ), lao động nặng cần nhiều hơn, nên ăn ít hơn 18g đường/ngày.
– Vitamin và chất khoáng: Cần tăng cường rau xanh, trái cây giúp cung cấp đủ vitamin, chất khoáng và chất xơ, giúp đảm bảo sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Khuyến nghị mỗi người mỗi ngày nên ăn đủ 300g rau và 200g trái cây.
– Ăn uống hợp lý: Ăn đủ ba bữa chính/ngày, chú ý bữa ăn phụ trong các trường hợp có tăng ca, đảm bảo và cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Cho dù thu nhập thấp nhưng nếu khéo léo vẫn có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, ví dụ ăn nhiều cá hơn thịt, cá nhỏ rẻ tiền hơn cá lớn nhưng giá trị dinh dưỡng vẫn tốt, ăn trứng, đậu là những món giá trị dinh dưỡng cao nhưng không quá mắc, rau củ ăn theo mùa, vừa ngon, rẻ lại giàu dưỡng chất…
Để đảm bảo sức khỏe, cần được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ hàng năm, những công việc nặng nhọc, môi trường độc hại cần khám nhiều hơn, nhằm đánh giá tình trạng dinh dưỡng và các chỉ số huyết học, sinh hóa, có biện pháp can thiệp kịp thời những bất thường của cơ thể giúp người lao động luôn trong trạng thái sức khỏe sung mãn, đạt năng suất cao trong công việc.

Đảm bảo an toàn trong quá trình lao động và làm việc:

Theo thống kê vào năm 2012, tại Mỹ có 4383 công nhân chết vì vết thương công việc, 92% trong số đó là nam giới. Theo số liệu của Viện Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động Hoa Kỳ, trung bình mỗi ngày có 200 công nhân phải nhập viện điều trị và  15 công nhân tử vong do chấn thương liên quan đến lao động. Theo thông báo của Bộ lao động Thương binh và Xã hội năm 2013 cho thấy, 59% các vụ tai nạn lao động có nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động, 26% số vụ tai nạn lao động do lỗi của người lao động, 15% là do các nguyên nhân khác.

Nhìn nhận ở góc độ y học thì tình trạng mệt mỏi quá sức có thể làm tăng nguy cơ mất an toàn lao động. Thông thường các vụ tai nạn lao động thường xảy ra vào thời điểm gần cuối ca. Thời điểm này người lao động dễ bị mệt mỏi làm cho phản xạ của hệ thống thần kinh, phản xạ thính giác, thị giác chậm hơn, thiếu chính xác và có thể xảy ra các thao tác mất an toàn. Với những loại hình lao động tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm, thì mệt mỏi quá sức sẽ luôn là yếu tố nguy cơ rình rập, gây nên tai nạn lao động.
Đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người lao động là một công tác hết sức quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi người sử dụng lao động và người lao động cần chấp hành các quy định về an toàn trong lao động, thường xuyên chăm sóc, quan tâm đến chế độ chính sách và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động

Với người lao động, cần cố gắng điều hòa hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi, giải trí. Hãy xây dựng một kế hoạch làm việc hiệu quả và hợp lý. Bên cạnh đó, cần tự tìm kiếm cho mình những niềm vui nho nhỏ để tránh căng thẳng quá mức. Nếu có biểu hiện bất thường, đừng ngại hỏi ý kiến bác sĩ hay người có chuyên môn./.
Su Tổng Hợp

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *