X

Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là gì? Dấu hiệu sốt xuất huyết, triệu chứng sốt xuất huyết như thế nào? Làm sao để biết một người bị sốt xuất huyết hay bệnh gì khác? Vì sao trẻ em hay bị sốt xuất huyết, làm thế nào để biết được? Có thể đây là những câu hỏi nhiều người thắc mắc vào lúc xảy ra dịch sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh mùa hè phổ biến và nguy hiểm, là bệnh nhiễm virut cấp tính do muỗi truyền. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết khác nhau tùy mức độ nhiễm bệnh của từng người.



Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virut sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti.
Bệnh sốt xuất huyết có hai thể: sốt dengue và sốt xuất huyết dengue, có thể xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.
Bệnh sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virut truyền sang người bình thường. 

Triệu chứng sốt

1. Thời kỳ ủ bệnh:

3 – 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày.
2. Sốt dengue

Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Như vậy biểu hiện xuất huyết không chỉ sốt xuất huyết dengue mới có (6).
3. Sốt xuất huyết dengue

Giai đoạn sớm của bệnh không thể phân biệt được với sốt dengue. Tuy nhiên thường sau từ 2 đến 5 ngày, tức là vào giai đoạn hạ sốt, một số trường hợp nhiễm trùng đầu tiên và đa số các nhiễm trùng thứ phát sau khi đã nhiễm một loại huyết thanh khác có biểu hiện hạ tiểu cầu (< 100.000/mm³) và cô đặc máu. Thường thì giảm tiểu cầu xảy ra trước cô đặc máu. Biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Các biểu hiện xuất huyết thường gặp trong sốt xuất huyết dengue gồm xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích, chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa. Lá lách thường không lớn. Nếu gan lớn và đau thì đây là những dấu hiệu bệnh nặng. Các biểu hiện khác có thể gồm tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, bệnh lý não với dịch não tủy bình thường (6).
Tính thấm mao mạch gia tăng, với hậu quả thoát huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn, là nguyên nhân của tình trạng cô đặc máu. Khi bệnh nhân có đồng thời hai dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết dengue và được phân loại theo WHO (6):
Độ I: giảm tiểu cầu kèm cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát.
Độ II: giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm theo chảy máu tự phát.
Độ III: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, huyết động không ổn định: mạch lăn tăn, huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương < 20 mm Hg), tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn.
Độ IV: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, sốc biểu hiện rõ: bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0 mm Hg.
Nếu được điều trị thoát sốc thì bệnh nhân lành bệnh nhanh chóng và rất hiếm có di chứng (6).
Dưới đây là những dấu hiệu cơ bản nhất của bệnh sốt xuất huyết.
1. Sốt cao

Theo Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.

2. Xuất huyết (chảy máu) 

Xuất huyết thường ở nhiều dạng:
Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.
Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.
Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).
Rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết vào thời điểm chuyển dạ lại càng nguy hiểm hơn vì có thể mất máu nhiều…
3. Đau bụng 

Bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…
4. Dấu hiệu sốc 

Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm:
Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã.
Chân tay lạnh.
Tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.
Nếu thời gian diễn ra sốc thường ngắn từ 12 đến 24h thì nên đi viện để được điều trị kịp thời.Tuy không phải tất cả người bị sốt xuất huyết đều bị sốc nhưng nên thận trọng theo dõi khi nghi ngờ sốt xuất huyết để kip thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm kể trên.
Chú ý: Thông thường, quá trình diễn biến của bệnh từ 2 đến 7 ngày, nguy hiểm thường xảy ra ở ngày sốt thứ tư, thứ năm: người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, đái ít, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp hạ; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch).
Điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Người bệnh cần được điều trị tích cực và hỗ trợ truyền máu, không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như sốc, trụy mạch, xuất huyết các cơ quan nội tạng, xuất huyết não … gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tiến trình của bệnh 

Chia sẻ trên báo  Gia đình và Xã hội, bác sĩ Nguyễn Thành Úc – phó khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cho biết, thông thường sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi khởi sốt.
Ngày thứ 1: Bệnh nhân sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau.
Ngày thứ 2: Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ.
Ngày thứ 3: Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói. Hãy làm xét nghiệm máu, kết quả máu nếu có Hct tăng 39-40%, tiểu cầu giảm dưới 150.000 tế bào/mm3 là chẩn đoán SXH chính xác đến trên 90%.
Sang ngày thứ 4, thứ 5 các triệu chứng rõ ràng nhất.

Tại sao trẻ em dễ bị sốt xuất huyết?

Bản tính hiếu động và ham chơi nên trẻ thích chơi ở những chỗ tối – là “địa bàn hoạt động” của muỗi, nên dễ bị muỗi tấn công.
Mặt khác, cũng có thể lý giải rằng do hoạt động thường xuyên nên thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn, nhịp thở của trẻ cũng cao, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn, khiến muỗi dễ phát hiện và đốt. Ngoài ra trẻ chưa có ý thức phòng muỗi đốt nên muỗi đốt “vô tư” (cả muỗi gây bệnh SXH). Khi bị muỗi đốt, sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn người lớn nên trẻ dễ bị mắc bệnh hơn.
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết
Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2- 7 ngày, kèm theo biểu hiện sau: đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp , đau đầu.Trong 1 số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ nhũ nhi có thế kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với các loại virut khác.
Tiếp theo đó, bệnh nhi có thể biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi án vào), thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu.Gan có thể to sau vài ngày.
Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt 37.5-38 độ hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như, lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to, một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh,mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên phải nhập viện cấp cứu ngay.
2. Chăm sóc đúng cách trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà giúp trẻ mau lành bệnh và cải thiện tình hình tử vong cho trẻ
Những trường hợp trẻ sốt xuất huyết được bác sĩ cho điều trị ngoại trú tại nhà, phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ, trong đó không thể bỏ qua khâu hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng
Hạ sốt đúng cách cho trẻ
Khi trẻ sốt cao ≥ 380 5C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu trẻ sốt, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Thức ăn: cho trẻ ăn những thứ ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên cho nhiều bữa nhỏ
– Nước uống: cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là nước điện giải Oresol, nước lọc, nước sôi nguội, nước trái cây, nước cam, nước chanh,
– Vitamin: trẻ cần cung cấp thêm vitamin các nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ. Ngay cả sáng, chiều trong những ngày cao điểm của bệnh.
Nếu có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện:
Quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc li bì
Đau bụng
Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen
Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống
Tuyệt đối tránh những tác động không tốt sau đây:
– Không nên cạo gió, cắt lễ vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ.
– Không tự ý cho trẻ uống thuốc.
– Không cho trẻ uống những loại  nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi, Xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
– Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì đã có không ít trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống trẻ. Trong quá trình hồi phục bệnh trẻ chưa thể ăn uống ngon miệng như bình thường cũng làm chậm quá trình hồi phục, bố sung thêm thuốc bổ cho trẻ trong trường hợp này là cần thiết, theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
– Không dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng)
Sudo Sốt Xuất Huyết
Chuyên mục: Sốt Xuất Huyết

Trang web này sử dụng cookies.