Lạy bà, bà thổi gió nồm…

Tháng tư âm lịch, trời miền Trung đổ gió nồm. Rười rượi mát là nồm chiều. Hai giờ là lao rao. Bốn giờ là ron rót. Cái gió nồm lạ lắm. Mạnh mà êm; cứ ron rót, ron rót như nước chảy đều qua ống cấp nước cho tua bin thủy điện – không vật vã, xé giằng như ngọn Nam Cồ thốc tháo, không ào ạt sục sôi như thác đổ đầu nguồn – nhưng kỳ thực mạnh mẽ vô cùng. Cứ nhìn những sóng lúa vàng đuổi nhau trên đồng đủ biết. Quằn quại, quằn quại từng lượn lớn.

Từng đợt gió tràn qua, lúa bị dúi ngã nằm xoài, xếp sát mặt ruộng khô. Mới trông tưởng chừng không thể gượng nổi lên. Ấy vậy mà gió vừa đuối hơi nguôi nguôi, lúa đã rùng rùng bật dậy! Cũng hay. Là nhờ sức mạnh đoàn kết. Một thân lúa thì mảnh mai, yếu ớt; nhưng trăm, ngàn, vạn, triệu thân lúa tựa vào nhau – to kèm bé, cứng kèm mềm, khỏe kèm yếu – bỗng khiến cho cả khối cộng đồng ấy thành nguyên một tấm-thảm-ruộm-vàng bền chắc, dẻo dai co, giãn, xẹp xuống, phồng lên đủ kiểu theo đỏng đảnh gió nồm mà vẫn chẳng hề chi.

Nồm chiều từ biển đi vào, mang nhiều hơi nước nên mát lắm. Ngọt và mát; đó là những hình dung từ – xem như cần và đủ – để diễn tả hương vị nồm chiều. Mát thì dễ hiểu. Còn ngọt? Từ ấy người quê dùng hình ảnh hóa một trạng thái thay vì chỉ mùi vị. Đó là trạng thái chuyển động thông suốt, xuôi thuận, ung dung không hấp tấp, trơn tru không vướng víu của nồm chiều. Chuyển động ấy khiến cánh chong chóng quay tít mù mà vẫn êm, khiến bụi tre già rạp sát, uốn cong mà không đổ gãy, khiến cánh diều lên cao, lừng lững tít tận không trung lộng gió mà vẫn chỉ lắc lư, vây vẩy, nhẹ nhàng…

Còn nữa, trâu bò. Bò đủng đỉnh ven bờ. Trâu lang thang trên những vạt ruộng khô vừa gặt xong còn trơ gốc rạ. Gặm, bứt sột soạt. Thi thoảng chúng vẫn không quên ngẩng đầu, vươn cổ rống ò, mắt khoái trá lim dim mà đón nồm chiều. Nồm chiều giúp xua ruồi muỗi, giúp lũ trâu nguội bớt lớp da đen suốt ngày hôi hổi do thiếu nước để đằm. Cảm nhận nồm chiều hẳn vật cũng như người. Chắc chắn là mát, rất mát! Cái mát mà – nếu không còn phải bận lang thang đi gặm cỏ – hẳn chúng sẽ… lăn kềnh ra mặt ruộng mà tận hưởng; để vị ngọt mát của thấm sâu vào tận các giác quan trong trạng thái lơ mơ…

Hạ về mong ngóng nồm chiều. Nỗi mong ngóng đã hoài thai, tượng hình thành câu ca dao:

Lạy bà, bà thổi gió nồm

Chồng bà ở Quảng kéo buồm theo sau…

Theo www.thanhnien.com.vn
Từ khóa tìm kiếm: ay khien canh,

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *