X

Sùi mào gà sinh dục

Xảy ra ở cả nam và nữ
Bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh, Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Sùi mào gà (SMG) là những nụ sùi nhỏ, có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy ở bộ phận sinh dục. Ban đầu, người mắc có thể không thật quan tâm vì mụn có vẻ lành, thường không đau. Nụ sùi này thường xuất hiện ở âm đạo, âm hộ, cổ tử cung, dương vật và có thể quanh lỗ hậu môn, nhưng cũng có thể xuất hiện ở miệng, họng”. Thực chất, nụ sùi này không “lành” như nhiều người lầm tưởng, mà bệnh có khả năng lây truyền cao nếu không được điều trị. Đáng lưu ý, loại vi-rút gây SMG có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Loại mụn sùi sinh dục này không giống như mụn cơm xuất hiện ở nơi khác trên cơ thể: bàn tay, đầu gối, mặt.
Theo tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hóa, Phó viện trưởng Viện Da liễu quốc gia: “Nhiễm vi-rút HPV thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy không gây những triệu chứng cấp tính, nhưng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, đe dọa tính mạng”. Trong nước chưa có nghiên cứu thống kê đầy đủ số người nhiễm HPV cũng như hậu quả của nó với người bệnh về vật chất tinh thần. Nhưng trong thời gian 2001-2005, cả nước đã có 47 ngàn bệnh nhân nhiễm HPV có biểu hiện sùi mào gà sinh dục, hậu môn. Trong đó có 16.307 bệnh nhân nam và 31.308 bệnh nhân nữ.
Chỉ riêng thống kê tại khoa Lazer của Viện Da liễu quốc gia: năm 2003, số nhiễm HPV đến khoa Laser điều trị là 1.919 bệnh nhân và 27,52% trong số đó bị SMG;  đến năm 2006, số này đã tăng lên 2.791 bệnh nhân và hơn 72% trong đó mắc SMG.
Làm tăng nguy cơ ung thư
Theo tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hóa: “Tỷ lệ ung thư hóa dương vật trong số bệnh nhân SMG cũng gia tăng. Năm 2003, tỷ lệ này là 0,1%, nhưng đến 2006, tỷ lệ này đã lên đến 0,25%”. Bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh cho biết: “SMG có khả năng lây truyền cao nếu không được điều trị. Ở nam giới, SMG có thể gây ung thư dương vật nếu không được chữa trị. Còn ở phụ nữ, vi-rút gây SMG có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nhiều người có hoạt động tình dục có mang vi-rút gây SMG, nhưng không phải lúc nào cũng nhìn thấy nốt sùi ở bộ phận sinh dục như khi nó xuất hiện ở cổ tử cung. Nhưng nếu nhìn và sờ thấy một nốt bất thường ở đường sinh dục hoặc có quan hệ với người bị mắc bệnh SMG thì cần đi khám ngay”.
Bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định đó là mắc bệnh SMG hay bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Chồng hoặc vợ của người đó cũng nên đi khám. Có các phương pháp điều trị khác nhau. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định bằng bôi thuốc hoặc lấy đi bằng phương pháp áp lạnh hoặc đốt. Bệnh nhân thường được chỉ định bôi bằng dung dịch Podophyllin hay Podophyllotoxin. Dung dịch này không nên bôi trong âm đạo, niệu đạo, trực tràng và miệng, không dùng khi mang thai. Tại Viện Da liễu quốc gia, trong những năm gần đây, người nhiễm HPV – SMG cũng đã được điều trị bằng phương pháp Laser – phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.  Các bác sĩ cũng lưu ý, vì những bệnh nhân nữ mắc SMG có nguy cơ ung thư cổ tử cung, vì vậy cần thiết phải làm xét nghiệm soi tế bào âm đạo hằng năm.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh: “Trường hợp này, bác sỹ sẽ lấy tế bào ở cổ tử cung làm xét nghiệm để phát hiện sớm những thay đổi dẫn đến ung thư cổ tử cung. Với phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm này 2 năm/lần. Nên nhớ, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung ở người bị SMG”.
Nam Sơn
Theo www.thanhnien.com.vn
Từ khóa tìm kiếm: sui mao ga, bo phan sinh duc, nu sui, xuat hien, am dao, tu,
Chuyên mục: Sùi Mào Gà

Trang web này sử dụng cookies.