Yêu và được yêu, đâu mới là hạnh phúc thật sự?

  –  Suy cho cùng: Tình yêu nên đến từ hai phía, chỉ có từ hai phía thì tình yêu mới thật sự là tình yêu. Tình yêu chỉ đến từ một phía thì chỉ có khổ đau, làm “Người-mình-yêu” cũng khổ và “Người-yêu-mình” cũng rất đau.

Câu hỏi này được đặt ra trong đầu rất nhiều người, có cả chúng ta – những người chẳng-phải-trẻ-con và nào-phải-người-lớn.

Ai trong đời mà chẳng một lần ôm vào lòng mình những câu hỏi khó lý giải?<br>
Ai trong đời mà chẳng một lần thoáng mỉm cười khi nghĩ về một ai đó, nhớ về ánh mắt, nụ cười, những cử chỉ dù nhỏ nhất, rồi nhận ra: mình đã yêu “người-mình-yêu”.

Ai trong đời mà chẳng một lần được lọt vào đôi mắt trong ngần, trở thành nỗi nhớ thường trực của một ai đó, và rồi nhận ra: mình đã có “người-yêu-mình”.

Tất cả đều là tình yêu! Nhưng, làm sao để được trọn vẹn trong tình yêu? Phải chọn “người-mình-yêu” hay “người-yêu-mình” ?<br>
Chọn người-mình-yêu!

Đó chính là ý kiến của Hamlet Trương trong quyển Ai rồi cũng khác: “Nhưng thỉnh thoảng, ta cũng nên mường tượng trước cảnh mình sẽ thức dậy bên cạnh một người mà mình không có gì để đam mê. Ta không thích mùi tóc, không nhớ nhung những gì từ cơ thể họ. Ta quên việc tự chăm sóc mình, vì không có một người đủ để ta muốn đẹp, muốn giỏi hơn mỗi ngày vì họ”.

Chính vì biết yêu người-yêu-mình sẽ như vậy, nên Hamlet Trương nghĩ mình sẽ yêu người-mình-yêu vì: dù khi yêu họ, ta có đớn đau, nhưng trong cái đớn đau ấy cũng hiện diện một niềm hạnh phúc hơn gấp nhiều lần so với khi bản thân ta chọn người mà mình không có cảm xúc khi sống cùng!

Chọn người-mình-yêu sẽ là nỗi đau, nhưng đó sẽ là nỗi đau đẹp nhất, đáng để đau trong suốt cuộc đời này.

Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều chào đời bằng tiếng khóc thay vì tiếng cười khanh khách, đó chính là vì: cuộc đời này luôn là một nỗi đau lớn nhất. Con người luôn phải đối mặt với nỗi đau, sống trong nỗi đau dù ngắn hay dài trong suốt quãng đời của họ. Sống ở đời đã đau, vậy đau thêm một lần vì tình yêu có là gì cơ chứ?<br>
Người mình yêu, lúc nào trước họ, ta cũng sẽ có những rung động, những cảm xúc mới lạ.

Dù biết họ sẽ không đáp trả lại tình cảm, dù biết sẽ mãi trông chờ hư vô, dù biết sẽ đau nhưng cũng vẫn sẽ mãi yêu họ để có được những cảm xúc ấy. Người-mình-yêu như một chất gây nghiện. Ta thử, ta say mê, ta mãi nghiện, trong khi bao người lại tránh xa “chất gây nghiện” ấy, chọn cho mình sự an toàn, chọn cho mình người-yêu-mình. Chính vì chọn người-mình-yêu là chọn thuốc phiện, ta sẽ say mê, nhưng sẽ có lúc ta mù quáng chuốc vào đời mình những rối rắm không-cần-thiết-phải-có. Một cô bạn đã kể cho mình nghe một mẩu chuyện:

Một người đàn ông có hai đời vợ trong lúc gia cảnh giàu sang, Khi vỡ nợ, họ bỏ đi, chỉ còn lại ông với không-gì-cả. Có một người đàn bà luôn ngóng chờ ông, luôn yêu thương ông, đã chờ ông cả tuổi đời thanh xuân. Ông lấy bà ta, bà ta như một người phụ nữ duy nhất còn lại trên cõi đời này yêu ông. Bà ấy làm lụng để trả nợ cho ông, thế nhưng hằng ngày, ông uống rượu, đánh đập bà ấy rất dã man. Dù nhiều người khuyên can nhưng bà ấy vẫn quyết định không-chia-tay mà vẫn yêu ông – một tình yêu mù quáng! Và đến bây giờ, câu chuyện ấy vẫn chưa có hồi kết !

Bạn thấy đấy, mẫu truyện trên, người đàn bà ấy có phải đã quá “nghiện” người-mình-yêu mà mù quáng hay không? Bà ấy đã dũng cảm, cam chịu nỗi đau để đánh đổi những cảm xúc trong trái tim mình mà ít người dám bạo gan để thử. Nhiều người sẽ bảo bà ta ngu muội, nhưng, mỗi hành vi của mỗi người đều xuất phát từ một động cơ nào đó. Hãy để bà ta “được” khổ vì người-mình-yêu!

Bạn có dám thử loại gây nghiện này?<br>
Hay chọn người-yêu-mình !

Ông bà ta ngày trước, nhiều khi ngay cả cha mẹ chúng ta, họ đến với nhau, đôi khi không phải do tình yêu, mà là do sự sắp đặt của bậc làm cha mẹ. Mẹ mình vẫn hay bảo: “Sống với nhau lâu dài, dù không có tình, nhưng cũng có nghĩa, gắn bó lắm con ạ! Đôi khi để sống mãi bên nhau, không nhất thiết phải có tình yêu đâu, tình thương cũng có sức mạnh như thế!”

Không yêu nhau, sống chung với nhau sẽ có tình, nhưng là “tình thương”. “Tình thương” ấy được đúc kết từ hôn nhân, trách nhiệm, con cái, nó như một mối dây chắc chắn ràng buộc đôi bên. “Tình thương” khiến bạn an toàn, nhưng nhạt nhòa lắm!

Cứ xem nhiều bộ phim, điển hình là MV “We belong together” của Mariah Carey hay những MV cùng nội dung có rất nhiều những cảnh đoại loại giống như: Đám cưới diễn ra nơi nhà thờ, bỗng một thanh niên nào đó chạy đến với chiếc xe phân phối lớn, ngừng xe, nhanh chóng chạy vào, nắm tay cô dâu rồi dắt đi, cả hai mỉm cười hạnh phúc băng băng trên chiếc xe, đi xa bỏ lại chú rể, gia đình hai bên với vẻ mặt “đơ” nhất có thể. Cảnh “cướp dâu” ấy có thể khiến nhiều người thích thú! Cô gái ấy thực sự được giải thoát!

Thế trong đời thực, bao nhiêu người có thể may mắn như cô gái kia: thoát ra khỏi cuộc sống hôn nhân nhàm chán trước khi những ràng buộc bắt đầu?<br>
Vâng! Đời không như phim, và ta biết đấy, hậu của hôn nhân không-tình-yêu chính là li hôn, tan vỡ, nếu đôi bên còn có con cái, thì đó là bi kịch hằn sâu trong trí óc trẻ thơ.

Hãy thôi nghĩ rằng, khi sống cùng nhau lâu dài, ta sẽ có tình cảm thật sự, vì: Ít người được như vậy lắm! Tình thương thì có thể có chứ tình cảm yêu thương thì không!

Và khi chọn người-yêu-mình, chọn cho mình cách an toàn nhất trong tình yêu, thì chính bạn đã chọn “tình thương” thay cho “tình yêu” đấy!

Chọn người-yêu-mình, bạn có cảm thấy rằng bản thân thật ích kỷ?<br>
Bạn chỉ nghĩ đến cảm giác của bản thân, vì bạn chỉ mong được đón nhận những yêu thương, sự quan tâm, chiều chuộng đến từ một ai đó mà không buồn đáp trả, bởi lẽ: Bạn có yêu họ đâu? Bạn có say mê điều gì từ họ đâu? Lấy họ rồi, bạn sẽ an toàn đấy, điều bạn có được sẽ là “mái nhà”, chứ chẳng phải “tổ ấm” được vun đắp từ đôi bên.

THAY LỜI KẾT

Người-mình-yêu và người-yêu-mình khi xét vào mối quan hệ, ta sẽ thấy:

Người-mình-yêu, khi họ chấp nhận sống cùng ta, có phải chính họ là người đã lấy “Người-yêu-mình” hay không? Và “Người-mình-yêu”- họ có hạnh phúc thật sự?<br>
Còn Người-yêu-mình, khi ta chấp nhận sống cùng họ, có phải chính họ cũng đang sống cùng “Người-mình-yêu” hay không? Và hạnh phúc có mỉm cười với đôi bên?<br>
“Người-mình-yêu” và “Người-yêu-mình” chính là một cuộc rượt đuổi đến vô tận, một vòng tròn bế tắc!

Suy cho cùng: Tình yêu nên đến từ hai phía, chỉ có từ hai phía thì tình yêu mới thật sự là tình yêu. Tình yêu chỉ đến từ một phía thì chỉ có khổ đau, làm “Người-mình-yêu” cũng khổ và “Người-yêu-mình” cũng rất đau. Khi yêu, đừng nên chỉ nghĩ đến cảm xúc của bạn thân, mà hãy nghĩ nhiều cho những người khác. Ai cũng sẽ có một “ai” mà Thượng Đế mang đến để hoàn thiện cho cuộc sống của họ.

Và bạn, bạn sẽ mạnh mẽ chờ đợi một người thực-sự-thuộc-về-bạn chứ?<br>

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *