Phòng bệnh viêm xoang hiệu quả

Trường hợp bị viêm mũi dị ứng, tái đi tái lại nhiều lần có thể điều trị bằng cách sử dụng các vị thuốc thảo dược như thương nhĩ tử, kim ngân hoa, phong phong, bạc hà… để làm ấm cơ thể, tăng sức đề kháng và phòng bệnh.

Vào thu, thời tiết thay đổi, ngày nắng, chiều mưa, tối hôm trước trời còn nóng nực nhưng đến sáng hôm sau đã có thể trở lạnh. Sự thay đổi thời tiết thất thường là điều kiện làm gia tăng các bệnh về tai mũi họng, trong đó phải kể đến bệnh viêm mũi, viêm xoang.Viêm mũi xoang rất thường gặp, nhất là với cư dân ở các khu vực ô nhiễm. Căn bệnh không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, mà còn gây tốn kém kinh tế do người bệnh điều trị nội khoa kéo dài, đôi khi phải phẫu thuật.

Mùa viêm mũi, viêm xoang

Những cơn gió đổi mùa, chuyển từ nóng sang lạnh và đến đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi nên rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Mũi là cửa ngõ đầu tiên của cơ thể tiếp xúc với dòng không khí mang hơi lạnh và hanh khô đó. Với chức năng riêng, mũi giúp điều tiết, làm ấm, tăng độ ẩm cho không khí hít vào. Trời lạnh, mũi phải làm việc nhiều hơn giúp làm ấm, làm ẩm dòng khí lạnh đó để đưa vào phổi. Ở một số người, niêm mạc mũi sẽ có những phản xạ quá mẫn như viêm mũi xúc tiết, viêm mũi dị ứng… phản ứng này rất dễ xảy ra ở những người đã có tiền sử bị các bệnh về mũi, xoang.

viemmui1381311284jpg

Sự thay đổi thời tiết thất thường là điều kiện làm gia tăng các bệnh về tai mũi họng, đặc biệt là bệnh viêm mũi, viêm xoang.

Bệnh viêm mũi, viêm xoang có thể gặp ở tất cả các mùa nhưng với mùa lạnh sẽ gây ra khó chịu nhiều hơn bởi các triệu chứng trở nên kéo dài và tái phát cũng diễn ra nhanh hơn. Những biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang thường gặp như hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc nước mũi đục, vàng khi đang ở tình trạng viêm cấp, ngứa mũi, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên, người mệt mỏi, có khi nhức đầu, ngứa mắt, chảy nước mắt… Khi mắc bệnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, công việc, học tập cũng như giao tiếp.

Để giảm gánh nặng này, phòng bệnh được xem là phương pháp dễ thực hiện và ít tốn kém.

Phòng bệnh viêm mũi, viêm xoang lúc giao mùa

– Luôn luôn giữ ấm là điều rất quan trọng trong mùa lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời lạnh.

– Dùng khẩu trang hoạt tính khi đi ra ngoài đường không những giữ ấm được mũi mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.

– Làm ấm vùng mũi mỗi khi tỉnh dậy vào buổi sáng bằng cách dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào, thực hiện như vậy chừng vài phút.

– Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng, tắm nhanh trong buồng kín gió, lau thân mình và đầu, mặt, cổ thật khô và mặc quần áo ngay.

– Vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau.

– Phòng ngừa và điều trị viêm mũi xoang bằng rửa mũi

– Những người đã bị viêm xoang mạn tính và cả người bình thường thì hàng ngày nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý và nên đi khám khi có những nghi ngờ bị, biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sĩ, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Vì nếu làm như vậy sẽ lợi bất cập hại, nghĩa là bệnh không khỏi mà có khi còn tăng lên hoặc gây tai biến rất nguy hiểm.

– Trường hợp bị viêm mũi dị ứng, tái đi tái lại nhiều lần, có các biểu hiện như chảy nước mũi, ngạt mũi, điếc mũi do thay đổi thời tiết có thể điều trị và dự phòng bằng cách sử dụng các vị thuốc thảo dược có tính ấm, tính kháng sinh tự nhiên như thương nhĩ tử, kim ngân hoa, phong phong, bạc hà… để làm ấm cơ thể, tăng sức đề kháng, phòng bệnh viêm mũi viêm xoang khi mùa đông tới.

Cần tránh:
* Tránh hít luồng không khí lạnh, khô: Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ, hoặc khi ngồi làm việc. Máy lạnh nên để 27-28 độ là phù hợp. Những trường hợp thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm vì đây là những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.
* Tránh khói thuốc lá và không khí ô nhiễm: Khói thuốc lá, khói, bụi, các chất hóa học đều là những yếu tố kích thích có hại cho chức năng lông chuyển của mũi xoang. Nên có khẩu trang khi làm việc trong môi trường ô nhiễm. Nếu gia đình có người mắc bệnh viêm xoang, đặc biệt là trẻ em, thì người lớn khi hút thuốc nên ra khỏi phòng của trẻ. Người có thói quen hút thuốc nếu bị viêm xoang tốt nhất nên bỏ hẳn hút thuốc.
* Tránh đi máy bay khi bị nhiễm siêu vi: Khi nhiễm siêu vi, niêm mạc mũi xoang bị phù nề, các lỗ thông xoang có thể bị tắc một phần hoặc hoàn toàn. Do đó lúc máy bay cất cánh, hạ cánh sẽ có sự thay đổi đột ngột áp suất ở bên ngoài các xoang. Vì các lỗ thông xoang bị tắc nên mất cân bằng áp suất bên trong xoang và bên ngoài, làm nhức đầu đột ngột dữ dội, niêm mạc xoang chảy máu gây viêm xoang do chấn thương áp lực.
* Tránh bơi hồ bơi: Ở một số người, đặc biệt trẻ em, niêm mạc mũi xoang nhạy cảm với chất chlorine có trong thuốc sát trùng nước hồ bơi, rất dễ bị viêm mũi xoang khi đi tắm hồ bơi.
* Tránh stress: Khi làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó mũi xoang dễ bị nhiễm nhất vì là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể.
* Tránh uống rượu bia quá nhiều: Rượu, đặc biệt là bia, làm niêm mạc mũi xoang phù nề, do vậy rất dễ đưa đến bệnh viêm xoang.

*  Không dùng các loại tinh dầu quế, hồi làm cao để xoa cho trẻ mỗi khi tắc nghẹt mũi vì sẽ gây kích thích xung huyết da và niêm mạc đường hô hấp của trẻ.

*  Đối với người mẫn cảm cần chú ý phòng tránh phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, thức ăn lạ, nhiều gia vị, nhiệt độ thay đổi. Khi ngứa mũi, muốn hắt xì nhưng không được cũng tuyệt đối không nên cho tay vào ngoáy vì dễ mang vi trùng vào, khiến cho bệnh càng nghiêm trọng thêm. Nhớ chỉ xì mũi ra, không hít ngược như trẻ nhỏ thường làm. Không cố gắng xì mạnh vì sẽ đẩy chất viêm vào vòi nhĩ và tai.

* Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang.
Nên làm:
* Chăm sóc tốt cơ thể khi nhiễm siêu vi: Trong khoảng 80-90% trường hợp nhiễm siêu vi, dân gian thường gọi chung là cảm, bệnh nhân sẽ bị ho, sổ mũi, đau họng, đau nhức cơ khắp cơ thể và sốt, các triệu chứng này thường tự khỏi sau 5-10 ngày. Nhưng cũng có những bệnh nhân các triệu chứng này không thuyên giảm mà chuyển thành viêm mũi xoang cấp. Để phòng ngừa viêm mũi xoang khi bị nhiễm siêu vi nên nhỏ thuốc co mạch mũi, duy trì sự thông thoáng của mũi xoang, uống nước nhiều, dinh dưỡng tốt, giữ ấm và tránh bụi bẩn.

* Khi tắm hoặc đi bơi, nếu bị nước vào tai hoặc mũi cần biết cách để cho nước ra ngoài, ví dụ nước vào tai thi có thể nghiêng đầu nhảy để nước ra ngoài sau đó lấy tăm bông lau khô. Nếu nước vào mũi thì không được xì cả 2 mũi liền, làm như vậy nước càng dễ vào trong, hãy lấy 1 tay bịt một bên lại và xì lần lượt từng bên một, nước sẽ bị xì ra ngoài mà không gây tổn thương cho mũi. Hiện nay một số bể bơi ở thành phố vệ sinh kém khi chúng ta di tắm phải cẩn thận tránh để nước vào xoang, dễ gây viêm xoang.
* Điều trị tích cực viêm mũi dị ứng: Người bị viêm mũi dị ứng thường có các triệu chứng hắt xì, chảy mũi, ngứa mũi và nghẹt mũi khi tiếp xúc với dị nguyên, các triệu chứng này có thể quanh năm hoặc theo mùa. Khi đó niêm mạc mũi xoang bị phù nề, tiết dịch, nếu không điều trị tích cực sẽ dẫn đến viêm xoang do bội nhiễm vi khuẩn từ môi trường. Muốn phòng bệnh tốt nhất nên tránh tiếp xúc với dị nguyên đã biết, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày, khám và sử dụng các loại thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
* Làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục thường xuyên: Sự điều tiết các hoạt động làm việc và thể dục đúng mực giúp hệ miễn dịch cơ thể mạnh mẽ, các cơ quan hoạt động điều hòa, cơ thể khỏe mạnh về mọi mặt, trong đó có sự hoạt động của mũi xoang.
* Chích ngừa cúm hằng năm: Việc chích ngừa cúm làm giảm đáng kể số lần bị bệnh, do vậy được xem là biện pháp rất có hiệu quả trong phòng ngừa viêm mũi xoang.
* Rửa tay sạch nhiều lần trong ngày: Vi khuẩn, virút có mặt khắp mọi nơi, đặc biệt trong những mùa dịch cúm. Việc rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc với các vật dụng chung hoặc khi bắt tay người khác có vai trò cực kỳ quan trọng trong phòng ngừa viêm mũi xoang, đặc biệt ở trẻ em.
* Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh: Nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh sự ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn. Trái cây và rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa và vitamin, giúp hệ miễn dịch của cơ thể mạnh hơn trong phòng chống nhiễm trùng.

* Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp để biến thái thành bệnh viêm xoang.

Blogsudo Tổng Hợp

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *