Dị ứng là gì, nguyên nhân và cách điều trị

Trong đời sống hằng ngày chúng ta thường rất hay gặp phải dị ứng. Nếu không bị liên tục thì bản thân bạn cũng sẽ gặp phải dị ứng một vài lần trong đời. Vậy dị ứng là gì, nguyên nhân gì gây ra dị ứng và điều trị như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

gi ung la gi, nguyen nhan di ung

Dị ứng là gì?

Dị ứng là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với những chất lạ. Gọi là quá mức vì các chất lạ này đều được cơ thể nhận biết và vô hại đối với những ai không bị dị ứng. Còn cơ thể của người bị dị ứng sẽ nhận ra các chất lạ và sẽ khởi động một phần hệ thống miễn dịch. Các chất gây nên hiện tượng dị ứng được gọi là dị nguyên. Các dị nguyên bao gồm bụi, phấn hoa, mốc, thực phẩm…Có thể hiểu dị nguyên là những chất lạ đối với cơ thể và có thể gây nên phản ứng dị ứng ở một số người.
Khi dị nguyên tiếp xúc với cơ thể những người bị dị ứng thì sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch để tạo nên các phản ứng dị ứng. Những người như thế được gọi là quá mẫn cảm.

Nguyên nhân của dị ứng là gì?

Hệ thống miễn dịch là cơ chế phòng vệ có tổ chức của cơ thể chống lại sự xâm nhập của những chất lạ được gọi là dị nguyên, đặc biệt là đối với nhiễm trùng. Nhiệm vụ của hệ miễn dịch là nhận biết và phản ứng đối với những dị nguyên này. Dị nguyên là những chất có thể kích thích sự sản xuất các kháng thể. Tác nhân gây dị ứng là những dị nguyên có thể gây dị ứng và kích thích sự sản xuất kháng thể IgE.

Mục tiêu của hệ miễn dịch là cố gắng phá hủy các dị nguyên tại vị trí chúng xâm nhập vào cơ thể. Một trong những nổ lực đó của hệ miễn dịch là tạo nên các protein bảo vệ được gọi là kháng thể để chống lại các dị nguyên này. Các kháng thể là những globulin miễn dịch – immunoglobulin (IgG, IgM, IgD, IgA) giúp bảo vệ và tiêu hủy các dị nguyên bằng cách bám vào bề mặt của chúng để tạo điều kiện cho các tế bào miễn dịch khác dễ dàng tiêu hủy. Ở những người bị dị ứng thì còn có sự sản xuất ra các globulin miễn dịch loại E (IgE) nhằm đáp ứng với các dị nguyên vô hại.

IgE là loại kháng thể mà tất cả chúng ta đều có với số lượng nhỏ. Tuy nhiên ở những người bị dị ứng thì IgE được sản xuất với số lượng lớn. Bình thường IgE giúp bảo vệ cơ thể chống lại các loại ký sinh trùng. Sự sản xuất quá mức của IgE sẽ kích thích sự phóng thích ra nhiều loại hóa chất, trong đó quan trọng nhất là chất histamine. Các hóa chất này (bao gồm histamine) sẽ gây nên hiện tượng viêm và các triệu chứng đặc hiệu của dị ứng.

Nói tóm lại, các globulin miễn dịch (Ig) là những phân tử protein hoạt động như những kháng thể. Có 5 loại Ig, đó là IgG, IgM, IgD, IgA và IgE. IgE là kháng thể dị ứng.

Ai là đối tượng nguy cơ và tại sao?

Dị ứng có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, thậm chí khi còn trong bụng mẹ. Dị ứng có thể xuất hiện ở trẻ em nhưng có thể gia tăng và biểu hiện thành triệu chứng vào thời kỳ đầu của độ tuổi trưởng thành. Hen phế quản (hen suyễn) có thể tồn tại dai dẳng ở người lớn trong khi các dị ứng về mũi có xu hưởng giảm ở tuổi già.

Tại sao một số người lại dị ứng với một vài loại dị nguyên trong khi người khác thì không? Tại sao những người bị dị ứng thì cơ thể sản xuất nhiều IgE hơn những người không bị dị ứng? Yếu tố có thể phân biệt rõ ràng nhất là vấn đề di truyền. Nguy cơ bị dị ứng của bạn có thể liên quan đến tiền sử dị ứng của cha mẹ. Nếu cả cha và mẹ không bị dị ứng thì nguy cơ của bạn là 15%, nếu cha hoặc mẹ bị dị ứng thì nguy cơ dị ứng của bạn là 30%, còn nếu cả cha và mẹ bị dị ứng thì nguy cơ của bạn là hơn 60%.

Mặc dù về mặt di truyền thì bạn có khả năng bị di ứng nhưng thực tế có thể bạn không bị. Bạn cũng có thể không nhất thiết bị dị ứng cùng loại với dị ứng của cha hoặc của mẹ mẹ. Hiện vẫn chưa rõ những chất nào có thể gây kích hoạt các phản ứng dị ứng ở người bị dị ứng, hoặc bệnh nào có khả năng khởi phát các triệu chứng dị ứng và độ nặng của dị ứng thì không thể biết trước được.

Một khía cạnh khác của dị ứng là vấn đề môi trường. Các vần đề về dị ứng có liên quan đến yếu tố di truyền thì đã rõ ràng. Ngoài ra, việc tiếp xúc lập đi lập lại một dị nguyên càng nhiều và càng sớm thì nguy cơ khởi phát dị ứng càng cao.

Có một số yếu tố khác có thể hiệp lực để gây nên dị ứng bao gồm hút thuốc, tình trạng ô nhiễm, nhiễm trùng và các loại hormon.

Các loại dị ứng phổ biến nhất và các triệu chứng của chúng?

Các bộ phận của cơ thể dễ bị dị ứng nhất là mắt, mũi, phổi, da và dạ dày (bao tử). Mặc dù các loại dị ứng khác nhau có thể biểu hiện khác nhau nhưng tất cả đều do đáp ứng miễn dịch quá mức đối với các chất lạ ở những người có cơ địa nhạy cảm. Sau đây là một số loại dị ứng thường gặp nhất:

Viêm mũi dị ứng: là loại dị ứng thường gặp nhất và thường có các triệu chứng ở mũi theo mùa do phấn hoa. Tình trạng viêm mũi dị ứng quanh năm thường là do các tác nhân dị ứng có trong nhà như bụi, mốc, lông thú vật. Các triệu chứng xuất hiện là do hiện tượng viêm các mô lót bên trong mũi (được gọi là niêm mạc mũi) sau khi các tác nhân gây dị ứng được hít vào. Các vùng lân cận như tai, xoang, họng có thể cũng bị ảnh hưởng. Các triệu chứng bao gồm:

  • Sổ mủi (chảy nước mũi)
  • Nghẹt mũi
  • Hắt xì hơi
  • Ngứa mũi
  • Ngứa tai và họng
  • Chảy nước mũi vào sau họng
Hen phế quản (suyễn): Hen phế quản là một bệnh lý đường hô hấp xảy ra do hiện tượng viêm và co thắt các phế quản. Hiện tượng viêm gây hẹp phế quản làm cho lưu thông không khí vào và ra khỏi phổi bị hạn chế. Hen phế quản thường nhất (không phải luôn luôn) là do hiện tượng dị ứng. Các triệu chứng bao gồm: Thở ngắn (thở dốc)

  • Thở khò khè
  • Ho
  • Nặng ngực
Dị ứng mắt: Hiện tượng viêm kết mạc dị ứng (kết mạc là lớp ngoài bao bọc mắt và dưới mi mắt) bao gồm các triệu chứng thường gặp sau:

  • Đỏ mắt và vùng dưới mi mắt
  • Ngứa mắt, chảy nước mắt
  • Phù kết mạc
Chàm dị ứng: Còn gọi là viêm da dị ứng, là hiện tượng nổi những hồng ban dị ứng sau khi da có tiếp xúc với tác nhân dị ứng. Tình trạng này thường có liên quan với viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Các triệu chứng bao gồm:

  • Ngứa, đỏ hoặc khô da
  • Hồng ban xuất hiện trên mặt, đặc biệt là ở trẻ em
  • Hồng ban xung quanh mắt, nếp gấp ở khuỷu tay, khoeo chân (sau đầu gối). Đặc biệt ở trẻ lớn và người trưởng thành thì hồng ban có thể nổi trên thân người.
Nổi mày đay: Đây là phản ứng của da, bao gồm ngứa, sưng và có thể xuất hiện trên bất kỳ vùng da nào của cơ thể. Nổi mày đay có thể do dị ứng ví dụ như thực phẩm, thuốc nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác. Các triệu chứng kinh điển là:

  • Mảng viền đỏ gồ lên mặt da
  • Ngứa nhiều

Sốc dị ứng: Còn được gọi là phản vệ hay sốc phản vệ. Đây là phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng và có tác động lên một số cơ quan trong cơ thể cùng một thời điểm. Sốc phản vệ xuất hiện khi các tác nhân gây dị ứng được ăn vào (ví dụ thực phẩm) hoặc vết chích (ví dụ như ong đốt) hoặc có thể do tiêm một số loại thuốc. Các triệu chứng bao gồm:
  • Nổi mày đay hoặc thay đổi màu da sang màu hơi đỏ
  • Xung huyết mũi
  • Phù họng
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn
  • Thở ngắn, khó thở, thở khò khè
  • Hạ huyết áp hoặc bị sốc
Sốc là do sự thiếu hụt tuần hoàn máu đến các mô của cơ thể. Sốc thường gặp nhất là do mất máu và nhiễm trùng. Còn sốc do dị ứng (sốc phản vệ) là do dãn mạch máu, các mạch máu bị rò rỉ và gây nên tình trạng tụt huyết áp.

Các tác nhân gây dị ứng có ở đâu?

Có ở khắp mọi nơi…
Các tác nhân dị ứng có thể được nuốt, hít, chích, hoặc thoa ngoài da.
Trong không khí chúng ta thở: Ngoài ôxy, không khí còn chứa nhiều chất khác có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Một trong số đó là các dị nguyên, những chất có thể trở thành tác nhân gây dị ứng đối với những người có cơ địa nhạy cảm. Các loại dị ứng thường do các dị nguyên bay lơ lững trong không khí bao gồm: viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm kết mạc mắt dị ứng. Các dị nguyên này thường vô hại nhưng có thể kích hoạt các phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm khi được hít vào:

  • Phấn hoa: từ các loài cây, cỏ…
  • Bụi
  • Các sản phẩm từ động vật như: lông, da, nước tiểu…
  • Nấm mốc
  • Côn trùng: gián…
Những gì chúng ta ăn: Khi thực phẩm hoặc thuốc được nuốt vào cơ thể. Các tác nhân gây dị ứng theo dòng máu và gắn vào các phân tử IgE ở các tế bào của vùng xa cơ thể như da và niêm mạc mũi. Khả năng di chuyển theo dòng máu của các tác nhân dị ứng giải thích tại sao chúng có thể gây nên triệu chứng ở các vùng xa thay vì chỉ ở đường tiêu hóa. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể bắt đầu với triệu chứng phù ở lưỡi và họng, sau đó có thể tê, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, và có thể có những triệu chứng ở da và niêm mạc mũi. Hai nhóm tác nhân dị ứng loại này bao gồm:

  • Thuốc: VD kháng sinh, aspirin (đường uống)
  • Thực phẩm: Loại thực phẩm thường gây dị ứng nhất là: sữa bò, cá, các loại động vật có vỏ như tôm, cua, sò, ghẹ.., trứng, đậu phụng, đậu nành, lúa mì…
Những gì tiếp xúc với da chúng ta: Viêm da tiếp xúc do dị ứng thì phần lớn là phản ứng tại chổ của da, không có liên quan đến IgE, nhưng có liên quan đến các tế bào viêm. Một số tác nhân dị ứng (Ví dụ như nhựa) sau khi tiếp xúc với da thì chúng được hấp thụ vào da nhưng không có khả năng gây phản ứng toàn thân mà chỉ khu trú tại da. Các tác nhân dị ứng thường găp gồm:

  • Nhựa: Có thể gây phản ứng với IgE hoặc không (VD găng tay bằng nhựa)
  • Cây (VD cây sơn, cây sồi, cây xuân thường)
  • Thuốc nhuộm
  • Hóa chất
  • Kim loại (Nickel)
  • Mỹ phẩm
Viêm da tiếp xúc do dị ứng không liên quan đến kháng thể IgE, nhưng có liên quan đến các tế bào của hệ thống miễn dịch mà có thể bị kích hoạt bởi các tác nhân dị ứng. Việc sờ hay chà xát những chất mà da bạn bị nhạy cảm trước đây có thể sẽ làm da nổi hồng ban.

Những gì chích vào người chúng ta: Các phản ứng nặng nề nhất xảy ra khi các tác nhân dị ứng được chích vào cơ thể chúng ta và trực tiếp vào dòng máu (VD tiêm đường tĩnh mạch). Điều đó sẽ mang những nguy cơ về các phản ứng toàn thân chẳng hạn như sốc phản vệ mà có thể đe dọa mạng sống. Các tác nhân dị ứng bằng đường chích có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng thường gặp nhất là:

  • Nọc độc của côn trùng, động vật: VD ong, rắn
  • Thuốc
  • Vắc-xin
  • Hormon (nội tiết tố). VD insulin
Điều trị dị ứng như thế nào?

Tốt nhất là tránh tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng mà mình đã biết từ trước (VD trước đây từng bị dị ứng khi ăn ghẹ). Điều này rất quan trọng đối với dị ứng do thực phẩm và thuốc.

Thuốc sử dụng phải phù hợp với triệu chứng và độ nặng của chúng. Các nhóm thuốc điều trị triệu chứng bao gồm:

Thuốc kháng histamine (Anti-histamines):

Các thuốc kháng histamine tác dụng ngắn có thể tự mua ngoài nhà thuốc, có thể làm giảm các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, nhưng có thể gây buồn ngủ. Một số loại có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ. VD nhóm thuốc này bao gồm: diphenhydramine (Benadryl), Loratadine (Claritin).

Các thuốc kháng histamine tác dụng kéo dài cần phải được bác sĩ kê toa. Chúng thường không ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ, bao gồm các nhóm như fexofenadine (Allegra), cetirizine (Zyrtec). Nhìn chung, thuốc kháng histamine tác dụng kéo dài ít gây buồn ngủ hơn các thuốc khác.

Các thuốc xịt mũi:

Các thuốc xịt mũi chứa corticosteroid có thể hiệu quả ở những người có triệu chứng không khỏi sau khi đã dùng các thuốc kháng histamine. Đây là các thuốc cần phải được kê toa của bác sĩ. VD: fluticasone (Flonase), mometasone (Nasonex), triamcinolone (Nasacort AQ).

Thuốc xịt mũi nhóm kháng histamine thế hệ mới như azelastine (Astelin) được sử dụng cho những người bị dị ứng theo mùa hoặc do môi trường.

Các thuốc chống xung huyết có thể giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi. Tuy nhiên không nên sử dụng những thuốc chống xung huyết xịt mũi nhiều ngày vì chúng có thể gây hiệu ứng “dội ngược” và làm tình trạng xung huyết nặng hơn. Các thuốc chống xung huyết dạng viên uống không gây hiện tượng này.

Các thuốc khác: Các thuốc ức chế leukotriene là những thuốc ngăn chặn đặc hiệu các chất có khả năng kích hoạt phản ứng dị ứng. Montelukast (Singulair) là thuốc cần được bác sĩ kê toa và được sử dụng cho những người bị hen phế quản, người bị dị ứng trong nhà và ngoài trời.

Các mũi chích dị ứng (liệu pháp miễn dịch) thỉnh thoảng được sử dụng đối với những trường không thể tránh tiếp xúc với tác nhân dị ứng hoặc khó kiểm soát các triệu chứng. Các mũi tiêm dị ứng giúp cơ thể không bị phản ứng quá mức đối với các tác nhân dị ứng. Việc tiêm các dị nguyên được thực hiện đều đặn với mỗi liều sau hơi cao hơn liều trước đó cho đến khi đạt được liều tối đa. Phương pháp này không phải luôn có hiệu quả ở tất cả mọi người và cần được bác sĩ theo dõi thường xuyên.

Các trường hợp dị ứng nặng như sốc phản vệ có thể sử dụng epinephrine để giúp cứu sống bệnh nhân nếu được sử dụng ngay khi sốc phản vệ xãy ra.

Viêm da dị ứng là gì?

Viêm da dị ứng là bệnh mãn tính về da. “Dị ứng” có nghĩa là xu hướng phát triển các tình trạng dị ứng. “Viêm da” có nghĩa là sưng da.
Các triệu chứng thường gặp nhất của viêm da dị ứng là:
  • Da khô và ngứa
  • Phát ban trên mặt, bên trong khuỷu tay, phía sau đầu gối và trên bàn tay và bàn chân.
Việc gãi xước da có thể gây ra:
  • Tấy đỏ
  • Sưng
  • Nứt
  • “Rỉ” ra dịch lỏng trong suốt
  • Tạo vảy
  • Dày da
  • Tróc vảy.
Thông thường, da bị viêm nặng hơn (giai đoạn bất thình lình trở nên tệ hại hơn), sau đó bệnh đỡ dần hoặc hết hẳn (giai đoạn thuyên giảm).
Ai mắc bệnh viêm da dị ứng?
Viêm da dị ứng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em nhưng bệnh này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Những người sống ở thành phố và các khu vực khí hậu khô có thể có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
Ở trẻ em bị viêm da dị ứng, vấn đề này có thể cải thiện hoặc biến mất khi trẻ lớn lên. Nhưng da có thể vẫn bị khô và dễ kích ứng. Vào những thời điểm khác, viêm da dị ứng là vấn đề ở tuổi trưởng thành.
Quý vị không thể “nhiễm” hoặc lây bệnh này cho người khác.
Các loại vấn đề khác về da
Viêm da dị ứng thường được gọi là bệnh chàm. “Chàm” là thuật ngữ dành cho nhiều loại vấn đề về da. Viêm da dị ứng là loại bệnh chàm phổ biến nhất. Các loại khác bao gồm:
Chàm do tiếp xúc dị ứng. Da bị tấy đỏ, ngứa và rỉ nước do chạm vào thứ gì đó mà hệ miễn dịch nhận biết là dị vật, như cây sơn độc.
Chàm tiếp xúc. Da bị tấy đỏ, ngứa và rát ở một chỗ do chạm vào thứ gì đó gây dị ứng, như axít, chất tẩy rửa hoặc hóa chất khác.
Bệnh tổ đỉa (“dyshidrotic eczema”). Da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân bị kích ứng và mọc mụn nước trong suốt, sâu gây ngứa và rát.
Viêm da thần kinh. Các mảng vảy trên đầu, cẳng chân, cổ tay hoặc cẳng tay gây ra do bị ngứa cục bộ (chẳng hạn như bị côn trùng cắn).
Chàm thể đồng tiền. Da có các đốm tấy lên hình đồng xu. Các đốm này có thể đóng vảy cứng, tróc vảy và rất ngứa.
Chàm da dầu. Loại da này có màu hơi vàng, nhiều dầu, các mảng vảy trên da đầu, mặt và đôi khi ở các bộ phận khác của cơ thể.
Viêm da ứ đọng. Da bị kích ứng ở cẳng chân, thường do vấn đề lưu thông máu.

Nguyên nhân gây viêm da dị ứng là gì?
Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên viêm da dị ứng. Bệnh này có thể gây ra do cả hai yếu tố di truyền (tồn tại trong gia đình) và môi trường. Những người bị viêm da dị ứng có thể mắc bệnh sốt cỏ khô và hen suyễn.
Chuẩn đoán viêm da dị ứng bằng cách nào?
Chẩn đoán dựa trên triệu chứng. Mỗi người đều có những triệu chứng kết hợp của riêng mình, các triệu chứng này có thể thay đổi theo thời gian. Bác sĩ sẽ yêu cầu cung cấp bệnh sử để:
  • Tìm hiểu về các triệu chứng của quý vị
  • Biết khi nào triệu chứng xuất hiện
  • Loại trừ các bệnh khác
  • Tìm kiếm nguyên nhân gây ra triệu chứng.
Bác sĩ cũng có thể hỏi về:
  • Các thành viên khác trong gia đình bị dị ứng
  • Liệu quý vị có các tình trạng chẳng hạn như sốt cỏ khô hoặc hen suyễn hay không
  • Có phải quý vị đã tiếp xúc với cái gì đó mà có thể gây kích ứng da hay không
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Các loại thực phẩm có thể làm cho da bị tấy đỏ
  • Phương pháp điều trị quý vị đã sử dụng cho các vấn đề khác về da
  • Sử dụng steroid hoặc dược phẩm.
Hiện tại không có phương thức xét nghiệm nhất định nào có thể sử dụng để kiểm tra bệnh này. Nhưng bác sĩ chuyên khoa da liễu (bác sĩ về da) hoặc bác sĩ chuyên khoa dị ứng (bác sĩ dị ứng) có thể xét nghiệm xem quý vị có bị dị ứng hay không.
Các nguyên nhân làm nặng viêm da dị ứng
Chất kích thích và chất gây dị ứng có thể làm cho viêm da dị ứng nặng thêm.

Chất kích thích là các chất có thể gây tấy đỏ và ngứa hoặc rát da; bao gồm:

  • Sợi len hoặc sợi nhân tạo
  • Xà phòng và chất tẩy rửa
  • Một số loại nước hoa và đồ trang điểm
  • Các chất như clo, dầu khoáng hoặc dung môi
  • Bụi hoặc cát
  • Khói thuốc lá.
Chất gây dị ứng là các chất gây nên dị ứng từ thực phẩm, thực vật, động vật hoặc không khí. Các chất gây dị ứng thường gặp là:
  • Trứng, đậu phộng, sữa, cá, các sản phẩm từ đậu nành và lúa mì
  • Mạt bụi
  • Mốc
  • Phấn hoa
  • Vảy da chó mèo.
Căng thẳng, giận dữ và thất vọng có thể làm cho viêm da dị ứng nặng thêm, nhưng chưa có bằng chứng về điều này. Nhiễm trùng da, nhiệt độ và khí hậu cũng có thể làm cho da bị tấy đỏ. Những nguyên nhân khác có thể làm cho da bị tấy đỏ là:
  • Không sử dụng đủ chất bôi trơn sau khi tắm
  • Độ ẩm thấp vào mùa đông
  • Khí hậu khô quanh năm
  • Tắm bồn và tắm vòi hoa sen quá lâu hoặc quá nóng
  • Vào phòng lạnh ngay khi đang đổ mồ hôi
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn.
Điều trị viêm da dị ứng như thế nào?
Điều trị có tác dụng tốt nhất khi bệnh nhân, các thành viên trong gia đình và bác sĩ kết hợp cùng nhau. Kế hoạch điều trị được dựa trên:
  • Độ tuổi
  • Triệu chứng
  • Sức khỏe tổng quát
Các bạn cần phải cẩn thận tuân theo kế hoạch điều trị. Cố gắng lưu ý xem điều gì hữu ích hoặc điều gì không. Các triệu chứng thường cải thiện khi chăm sóc da và thay đổi lối sống đúng cách.
Các mục tiêu điều trị viêm da dị ứng đó là nhằm chữa lành da và ngăn chặn tấy đỏ. Bác sĩ sẽ giúp các bạn:
  • Tạo thói quen chăm sóc da hiệu quả
  • Tránh những thứ gây tấy đỏ da
  • Điều trị triệu chứng nếu xuất hiện.
  • Quý vị và các thành viên trong gia đình cần quan sát các thay đổi trên da để tìm ra phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất.
Dược phẩm điều trị viêm da dị ứng bao gồm:
  • Các loại kem hoặc thuốc mỡ thoa da giúp giảm sưng và giảm phản ứng dị ứng
  • Thuốc Corticosteroid (Steroid được tiết ra từ vỏ thượng thận)
  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra
  • Thuốc kháng histamine gây buồn ngủ để giúp ngăn mọi người gãi vào ban đêm
  • Thuốc ức chế hệ miễn dịch.
Các phương pháp điều trị khác bao gồm:
  • Liệu pháp ánh sáng
  • Kết hợp giữa liệu pháp ánh sáng và một loại thuốc có tên là psoralen
  • Chăm sóc da giúp chữa lành da và giữ gìn làn da khỏe mạnh
  • Bảo vệ khỏi các chất gây dị ứng.
Viêm da dị ứng và vắc xin phòng bệnh đậu mùa
Những người mắc viêm da dị ứng không được tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa. Vắc-xin này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở những người bị viêm da dị ứng.

Cách điều trị viêm da dị ứng khác

Điều trị thường ngày:

– Có những biện pháp dự phòng để hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây kích thích da, thí dụ súc vật nuôi trong nhà, bọ, bụi nhà, thức ăn gây dị ứng v.v…

– Việc điều trị da khô rất quan trọng. Cần sử dụng những thuốc làm dịu có tác dụng hydrat hoá và tái lập lớp hydro lipid của da. Nên chọn loại kem trung tính, không có chất thơm hoặc chất bảo quản. Loại kem này phải chứa các chất có khả năng thâu tóm và giữ nước ở vùng lớp sừng. Mannitol và glycerin trong cấu trúc có những nhóm hydroxyl háo nước, acid lactic có khả năng thâu tóm nước. Urê có tác dụng tương tự nhưng đôi khi gây kích ứng và khó dung nạp đối với trẻ em. Các đại phân tử như collagen và acid hyaluronic tạo một lớp phim trên bề mặt làm hạn chế mất nước. Các ceramid, cholesterol, phospholipid và acid béo thiết yếu tái lập lớp sừng. Cần chú ý là các chế phẩm có dầu hạnh nhân, dầu lạc, vừng, hạt dẻ có thể gây dị ứng. Trong thực hành, thường bôi chất làm dịu một đến hai lần mỗi ngày, tuỳ theo nhu cầu trên da còn để hơi ẩm. Chúng được bôi trên các vùng  da khô và trên các vùng bị dị ứng đang đỡ, tiếp nối với cách điều trị bằng các corticoid bôi da hoặc tacrolimus. Phải tránh bôi chất làm dịu ở những thời kỳ bột phát của bệnh (nguy cơ tăng ngứa thậm trí bỏng).

Điều trị những đợt kịch phát

Trong những đợt kịch phát, ngứa rất nhiều ở những vết thương tổn. Cần thiết phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ.

Các corticoid bôi da (dermocorticoid): Đó là một trong những yếu tố chủ chốt để chống viêm da, rất cần thiết khi bệnh nhân đang ở đợt kịch phát.

Các dermo corticoid có tại chỗ tác dụng chống viêm  do làm co mạch, ức chế các chức năng của bạch cầu và làm biến đổi các phản ứng miễn dịch. Chúng cũng có tác dụng chống tăng sinh làm hạn chế sự tổng hợp collagen và về lâu dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ kiểu như teo da.

Phân loại: theo cách phân loại của Pháp, chia làm 4 nhóm tuỳ theo mức độ mạnh của các dermocorticoid = rất mạnh (I), mạnh (II), vừa (III) và yếu (IV) cách phân loại quốc tế thì theo thứ tự ngược lại.

Trong thực hành, ở người lớn, cho dùng một dermocorticoid nhóm II (theo phân loại của Pháp) cho những thương tổn ở toàn thân. Dermocorticoid nhóm III ưa dùng cho các thương tổn ở mặt và/hoặc những thương tổn diện rộng. Các nhóm dermocorticoid II và III cũng có thể dùng cho trẻ em. Dermocorticoid nhóm I chỉ dùng thời gian ngắn trên các mảng ít rộng và nhạy cảm với corticoid để cho tác dụng tức thời và nhanh. Các chế phẩm này chống chỉ định dùng cho trẻ còn bú và trẻ em. Các dermocorticoid tác dụng yếu  ít có ý nghĩa trong viêm da dị ứng.

– Phải thận trọng khi dùng dermocorticoid ở mí mắt: (nguy cơ đục thuỷ tinh thể hoặc glaucome).

– Thường bôi ngày một lần cho tới khi đỡ, khoảng 10 ngày. Nên bôi vào buổi tối để giữ thuốc tại chỗ được lâu hơn. Bôi hai lần mỗi ngày không có lợi ích gì thêm (trừ thường hợp một số thể eczema lichen hoá) nhưng lại làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Khi ngừng điều trị các sơ đồ giảm dần liều (cách một hay hai ngày bôi một lần) ít ý nghĩa, trừ trong trường hợp hiếm gặp phải điều trị hai ngày một lần kéo dài.

Việc dùng các dermocorticoid cho đáp ứng lâm sàng tốt trong 65_85% trường hợp so với placebo là 15% – 48%. Các dermocorticoid cho hiệu quả ở thanh thiếu niên và người lớn kém hơn so với trẻ em.

Nếu những đợt kịch phát viêm vẫn tồn tại dai dẳng mặc dù đã bôi dermocorticoid, thì phải tìm xem có phải là do cách điều trị chưa phù hợp (dùng loại dermocorticoid quá nhẹ) hoặc dùng thuốc phòng đều đặn, hay do một cơ chế phụ thuộc dermocorticoid hoặc có khả năng bội nhiễm vi khuẩn.

Giới hạn sử dụng: Sự ngấm thuốc qua da tăng cao trong trường hợp da bị thương tổn. Với da lành thì chỉ quan trọng khi diện bôi vượt qua 70% diện tích cơ thể. Ở người lớn, liều không nên vượt quá 50g mỗi tuần cho dermocorticoid nhóm II. Để tránh nguy cơ hấp thu thuốc vào trong cơ thể quá nhiều. Nếu bôi ở mặt không nên vượt quá 20g. Để hạn chế các tác dụng phụ tại chỗ, liều tối đa cho thân thể là 500g cho 6 tháng.

Tác dụng phụ:  tác dụng phụ có thể gặp là teo da, giãn mạch, rạn da, rậm lông, giảm sắc tố, bội nhiễm. Tác dụng toàn thân (sợ chủ yếu là với trẻ em) có thể dẫn đến hội chứng dạng Cushing dẫn đến chậm lớn, thậm chí suy thượng thận trong trường hợp ngừng đột ngột sau khi dùng lượng lớn loại dermocorticoid mạnh.

Tacrolimus: tacrolimus (Protopic) là một dẫn xuất macrolid được lựa chọn tuyến hai cho trẻ em hoặc người lớn trong những dạng nặng khi dùng dermocorticoid đúng quy cách mà vẫn không đáp ứng đủ. Tacrolimus rất ít hấp thu toàn thân. Thuốc ức chế sự tổng hợp và giải phóng các cytokin gây viêm, không có tác dụng gây teo (điểm này khác với các dermocorticoid kem), thuốc có thể bôi lên các tổn thương ở thân và ở mặt (kể cả ở mi mắt). Không được bôi lên các niêm mạc, trên da nhiễm khuẩn, hoặc dưới băng kín. Tuy nhiên sau khi có thông báo về một số hiếm trường hợp u lympho bào, ung thư da và một số bệnh ác tính ở bệnh nhân điều trị bằng những chất ức chế calcineurin bôi, trong đó có Protopic đã có sự đánh giá lại về an toàn của việc sử dụng của Protopic. Cơ quan quản lý thuốc của Châu Âu đã kết luận tỷ số lợi ích/ nguy hại của Protopic là thuận lợi, nhưng yêu cầu phải có sự đánh giá dài hạn về nguy cơ bệnh ác tính ở những bệnh nhân được điều trị. Trong khi chờ đợi kết quả trên, cần tuân thủ một số khuyến cáo: dùng ngắn hạn hoặc dùng thuốc dài hạn nhưng ngắt quãng, không dùng liên tục dài hạn. Thuốc chống chỉ định cho trẻ em dưới hai tháng tuổi và người suy giảm miễn dịch. Từ 2 đến 16 năm tuổi, chỉ nên dùng liều 0,03%. Chỉ bôi lên các tổn thương, hai lần/ngày dưới dạng lớp mỏng cho tới khi hết eczema rồi ngừng. Trong vòng 2 tuần nếu không thấy hiệu quả thì nên ngừng ngay. Không bôi lên các tổn thương cơ có tiềm năng ác tính hoặc lên tổn thương tiền ung thư.

Các tác dụng phụ chủ yếu là bỏng hoặc ngứa (hơn 10% số ca) nhất là ở những ngày điều trị đầu tiên, và gặp nhiều ở người lớn hơn ở trẻ em. Khi có bội nhiễm phải ngừng ngay. Mọi dấu hiệu lâm sàng có nhiễm khuẩn ở những vùng cần điều trị, cần phải được điều trị trước rồi mới bôi tacrolimus. Hiện tượng không dung nạp alcool thường khá phổ biến (1% số ca) khi dùng thuốc với biểu hiện là đỏ mặt và/hoặc kích ứng ở da. Giữa việc bôi thuốc làm dịu và thuốc Protopic phải cách nhau 2 giờ. Hạn chế ra ánh nắng mặt trời trong thời gian điều trị. Do nguy cơ  thất bại của tiêm chủng trong thời gian điều trị Protopic, nên việc tiêm chủng phải thực hiện trước khi bắt đầu điều trị Protopic hoặc 14 ngày sau lần bôi cuối cùng của Protopic (trường hợp các vaccin sống giảm hoạt lực thì khoảng cách này phải là 28 ngày). Việc kê đơn và nhắc lại đối với Protopic chỉ dành cho các thầy thuốc chuyên khoa da và nhi khoa. Cần có sự theo rõi đặc biệt trong quá trình điều trị.

Điều trị toàn thân:

Ciclosporin: Dùng đường uống với liều 2,5- 5 mg/kg/ngày, ciclosporin (Neoral, Sandimmun) là một cách điều trị ngoại lệ đối với viêm da dị ứng nặng ở người lớn, sau khi các cách điều trị khác đã thất bại. Tỷ lệ lợi/hại phải cân nhắc từng ca một, tuỳ theo sự dung nạp với thuốc này. Ciclosporin dùng trong điều trị ngắn hạn, khoảng 8 tuần. Tỷ lệ tái phát trong vòng 15 ngày là 1/2. Tỷ lệ thuyên giảm trong vòng 1 năm là 1/6. Việc kê đơn ban đầu phải làm ở bệnh viện, có giá trị 6 tháng. Việc cấp lại thuốc có thể được thực hiện bởi bất kỳ thầy thuốc nào.

Thuốc kháng histamin: Ngứa của viêm da dị ứng không phải chỉ đơn thuần do histamin. Các thuốc kháng histamin dùng cho chỉ định này có hiệu quả thất thường. Tuy nhiên chúng cũng giúp ích khi rất muốn gãi. Không nên dùng các kháng histamin nhóm phenothiazin trong thời kỳ ra nắng nhiều do nguy cơ nhạy cảm ánh sáng. Đôi khi cần tác dụng an thần (hydroxyzin) để bớt gãi ban đêm, nhất là ở trẻ em.

Thuốc chống nhiễm khuẩn: Cần chống bội nhiễm vi khuẩn (nhất là tụ cầu vàng) trong trường hợp chốc, lở (impetigo) hoặc viên nang do tụ cầu vàng. Có thể dùng các thuốc sát khuẩn khi tắm ấm sau đó tráng kỹ. Cũng có thể dùng tại chỗ các dung dịch nước hoặc có bọt. Nếu phối hợp các thuốc sát khuẩn và thuốc làm dịu, và nếu dùng xen kẽ các thuốc sát khuẩn để tránh chọn lọc vi khuẩn. Kháng sinh liệu pháp tại chỗ (acid fusidic) cũng có ích trong trường hợp nhiễm khuẩn khu trú nông. Trong một số ca, cần thiết phải dùng đến liệu pháp kháng sinh bằng đường uống (penicilin kháng penicilinase, hoặc cephalosporin). Về nhiễm virus, cần phải có biện pháp dự phòng: Tránh mọi tiếp xúc với người đang có đợt herpes môi. Cần phải ngừng corticoid trong trường hợp nhiễm virus herpes simplex.

Quang liệu pháp (phototherapie) dành cho những thể nhẹ, có thể có nhiều dạng. Phối hợp UVA -UVB thường hiệu quả nhất. Tiến hành liệu pháp vào các buổi chiều từ 3 đến 5 lần mỗi tuần.

Chăm sóc về mặt tâm lý: với trẻ em, cuộc sống gia đình hài hoà, ít stress giúp nhiều cho việc lành một số thể dị ứng. Nhà ít có bọ, bụi nhà, mát mẻ, khô ráo. Đôi khi cũng nên nghỉ gần biển. Ở người lớn, stress thường được thông báo là yếu tố khởi phát các đợt kịch phát. Không nên dùng nhiều các thuốc loại benzodiazepin, có thể gây lệ thuộc thuốc và dễ gây ngứa khi cai.

Tắm suối nước nóng: đôi khi hình thức này được các bệnh nhân ưa chuộng. Nhưng cần biết chắc nơi nào được phép dành cho điều trị viêm da dị ứng.

Triển vọng điều trị: Một chất ức chế calcineurin thứ hai là pimecrolimus (Elidel) dùng bôi đã có bán. Ở một số nước, việc nghiên cứu hướng về sản xuất các dẫn xuất dermocorticoid mới có tác dụng chống viêm ngang với các chất cũ, nhưng ít tác dụng phụ hơn. Nhóm thuốc mới này gồm fluticason, prednicarbat, aceponat của methylprednisolon, và furoat mometason. Lợi ích của chúng còn cần được chứng minh thêm.

Một hướng nghiên cứu khác dựa trên việc phát hiện gần đây các tế bào lympho T gd, những tế bào này có khả năng cải thiện các rối loạn miễn dịch và các aminobiphosphorat có khả năng kích thích chúng.

Sudo Dị Ứng

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *