Hành trình gợi ý 2 ngày ở Côn Đảo dịp 30/4

Vào dịp lễ sắp tới, đến thăm Côn Đảo cũng là thời điểm thích hợp để có một chuyến đi về nguồn, vừa tìm hiểu lịch sử vừa khám phá thiên nhiên xinh đẹp.

Dưới đây là hành trình gợi ý hai ngày ở cho chuyến du lịch Côn Đảo.

Ngày thứ nhất

9h30: Khởi hành từ TP HCM đi Côn Đảo

Có hai cách đi Côn Đảo: Đường biển hoặc hàng không. Nếu đi bằng tàu, bạn khởi hành từ cảng Cát Lở ở Vũng Tàu lúc 17h và đến Côn Đảo lúc 5h sáng hôm sau. Tuy nhiên, lịch tàu không ổn định do điều kiện xa bờ và phụ thuộc vào thời tiết. Giá vé một lượt khoảng 400.000 đồng.

Tháng 4 là mùa cao điểm nên giá vé máy bay khứ hồi khoảng 3 – 4 triệu đồng. Thời gian bay một tiếng. Nếu đi hai ngày, bạn nên chọn đường hàng không để tiết kiệm thời gian.

10h30: Tới sân bay Côn Đảo

Tại sảnh đến của sân bay có các quầy dịch vụ đặt phòng, tour hoặc thuê xe taxi do các khách sạn, hãng xe ở Côn Đảo cung cấp. Nếu bạn đặt phòng trước tại các khách sạn 3 sao thì họ sẽ cung cấp dịch vụ xe đưa đón khách miễn phí tại sân bay về khách sạn.

Các khách sạn 2 sao, nhà nghỉ cũng có dịch vụ đưa đón tại sân bay nhưng có tính phí. Ngoài ra, bạn còn có thể đi taxi vào trung tâm thị trấn với giá khoảng 300.000 đồng một chuyến, rất lợi cho nhóm đông người.

11h30 – 12h: Đến thị trấn Côn Đảo và nhận phòng khách sạn

Các phòng khách sạn 3 sao với một giường đôi hoặc hai giường đơn có giá từ 1,3 triệu đồng (gồm bữa sáng buffet, đưa đón sân bay). Các khách sạn 2 sao có giá phòng từ 800.000 đồng (không gồm ăn sáng).

12h – 13h: Dùng cơm trưa

Dọc con đường Nguyễn Đức Thuận tập trung nhiều quán bán các món cơm, mì xào và hải sản như Thu Tâm, Tri Kỷ, Hai Đình, Ớt… Hải sản ở Côn Đảo rất tươi ngon và rẻ. Người bán khá hiền hòa và không nói thách. Bạn có thể ra bến tàu chọn mua trực tiếp hải sản từ các thuyền đánh bắt rồi về nhà hàng nhờ chế biến.

14h – 15h: Tham quan Miếu bà Phi Yến

Hinh10JPGjpg

An Sơn Miếu (miếu Bà) nằm cách trung tâm Côn Đảo khoảng 2km về phía Tây Nam. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Miếu bà Phi Yến (An Sơn Miếu) là ngôi miếu được xếp hạng di tích của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Lịch sử ghi lại rằng muốn đánh bại nghĩa quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh tính chuyện cầu viện quân Pháp và định gửi hoàng tử Cải sang làm con tin. Thứ phi Hoàng Phi Yến đã khuyên ngăn khiến chúa cho rằng bà thông đồng với quân Tây Sơn. Tức giận, chúa đã hạ lệnh tống giam bà vào một hang đá trên hòn Côn Lôn nhỏ (nay gọi là Hòn Bà). Bà ra đi trên đất đảo trong một dịp lễ đàn chay và để giữ tiết hạnh với chúa Nguyễn Ánh.

15h30 – 17h: Tham quan Chùa Núi Một

Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự được xây dựng trên một vị trí đẹp mà từ đó có thể chiêm ngưỡng nhiều phong cảnh của Côn Đảo. Chùa do Mỹ xây dựng năm 1964, nhằm phục vụ cho tín ngưỡng của những gia đình theo chính quyền Mỹ thời đó và các quan chức quân đội trên đảo. Ngoài ra, chùa Núi Một còn nhằm mục đích che đậy dư luận quốc tế về sự cai trị tàn khốc của chế độ Mỹ ngụy tại Côn Đảo. Ngày nay, ngôi chùa là nơi thờ Phật, gửi gắm tâm linh của người dân địa phương.

17h30 – 18h30: Ngắm hoàng hôn ở Mũi Cá Mập

Mũi Cá Mập có hình tượng giống hàm cá mập. Thời chiến tranh, thiên nhiên còn hoang sơ, chưa có nhiều thuyển bè qua lại, đây là nơi quy tụ của các đàn cá mập. Trên rừng có hổ dữ do thực dân Pháp thả và dưới biển có cá mập, hai thứ “vũ khí” ghê rợn ấy hòng gây sợ hãi không cho tù nhân trốn thoát. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, dân cư phát triển đông đúc trên đảo, tàu thuyền tấp nập nên đàn cá mập không còn quy tụ ở gần bờ nữa.

19h30 – 20h30: Dùng bữa tối tại quán ăn địa phương

21h: Về khách sạn nghỉ ngơi

Ngày thứ hai

9h – 9h30: Tham quan Dinh Chúa Đảo

Hinh3JPG1428655409jpg

Dinh Chúa Đảo, nơi ở và làm việc của các chúa đảo và tay sai từ năm 1862 đến trước năm 1975. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Dinh Chúa Đảo là nơi ở và làm việc của các Chúa đảo và tay sai từ năm 1862 đến trước năm 1975. Đến đây bạn được nhận huy hiệu Côn Đảo làm kỷ niệm. Dinh Chúa Đảo có thiết kế theo lối kiến trúc xưa: nhà tường mái ngói, sàn nhà lát những ô gạch đỏ cũ kỷ, hành lang dài với những bậc thềm đá.

Ngày nay, tượng Bác Hồ được đặt ngay giữa gian phòng chính. Hai bên gồm những bức tranh minh họa quá trình hình thành vùng đất Côn Sơn cũng như ghi rõ thời gian cai trị của các chúa đảo.

9h30 – 11h: Khám phá hệ thống nhà tù Côn Đảo

Cụm di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo gồm có trung tâm cải huấn Phú Hải (còn gọi là nhà tù kiểu Pháp), trại Phú Tường (Chuồng cọp kiểu Pháp), trại Phú Bình (Chuồng cọp kiểu Mỹ) và khu biệt lập chuồng bò. Đến đây, bạn sẽ được nghe thuyết minh viên tại điểm mô tả các hình thức tra tấn tù nhân lúc bấy giờ.

Trung tâm cải huấn Phú Hải là trại tù lâu đời do thực dân Pháp xây dựng, nổi tiếng với hầm xay lúa, khu biệt giam và khu đập đá Côn Lôn – nơi cụ Phan Chu Trinh đã sáng tác bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng, tạo nên khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng trong lao tù.

Trại Phú Tường được xây dựng ẩn giữa các tòa nhà như mê cung. Đây là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đầy ải bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước Việt Nam.

Hinh714285495071200x0jpg

Chuồng cọp Pháp được thực dân Pháp xây dựng bí mật từ năm 1940 với hai lớp cửa cổng. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Trại Phú Bình được xây dựng vào năm 1971, có các dãy phòng giam chật hẹp, hàng rào kẽm gai bao bọc xung quanh. Đi qua những phòng giam biệt lập kín mít, không thấy lỗ thông gió, tường cao, cửa sắt đen ngòm, thuyết minh viên còn cho bạn nghe tiếng dập cửa sắt nện mạnh vào bức tường đến đinh tai nhức óc. Đây là hình thức mà chúng dùng để liên tục tra tấn tù nhân, mỗi ngày hơn 300 lần dập cửa.

Khu biệt lập chuồng bò được dùng để chăn nuôi bò vào thời Pháp và Mỹ, song còn dùng để tra tấn bằng cách ngâm tù nhân trong hầm phân bò.

11h – 11h30: Viếng nghĩa trang Hàng Dương

Là nghĩa trang lớn nhất Côn Đảo, nơi đây chôn cất hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống để lại cho thế hệ sau được hưởng bầu trời thanh bình, tự do. Nghĩa trang cũng là nơi an nghỉ của cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Đến đây, bạn còn được nghe những câu chuyện huyền thoại về chị Võ Thị Sáu – biểu tượng của tuổi trẻ nhiệt huyết và gan dạ.

12h – 13h: Dùng cơm trưa tại quán ăn địa phương

13h30: Mua hải sản tại chợ Côn Đảo

Nếu bạn mua hải sản ở chợ Côn Đảo và mang về đất liền, người bán sẽ đóng gói kỹ lưỡng trong thùng xốp. Hải sản không được xách tay lên máy bay, mà phải ký gửi hành lý.

14h30: Di chuyển từ thị trấn Côn Đảo ra sân bay Côn Đảo để bay về TP HCM. Kết thúc hành trình.

Côn Đảo – điểm đến ý nghĩa ngày 30/4

Phan Ngọc Hạnh

Theo dulich.vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: con dao, khoi hanh, di con dao, san bay con dao, khach san, con dao, tai san bay, thi tran con dao, con dao, phong khach san, h dung com trua, hai san, h tham quan,

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *