Với tôi, mẹ là người phụ nữ vĩ đại nhất

Tôi hay nép sau lưng mẹ, nhút nhát, bám chặt lấy gấu áo rồi mở to cặp mắt nhìn thế giới. Với tôi mẹ là người phụ nữ vĩ đại nhất.

Ngày nhỏ nhà nghèo, mẹ chỉ có mỗi cái xe đạp với cái giá sách là chút giá trị, tiền tiêu ngày nào biết ngày đó, mẹ làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Tôi cũng theo mẹ từ sáng đến tối mịt mới về ổ. Mẹ làm ca sớm nên mẹ phải gọi tôi dậy sớm theo, sáng nào cũng vậy, nóng hay lạnh, nắng hay mưa, tôi cũng phải dậy vào giờ đó để chuẩn bị, kẻo mẹ muộn làm. Đôi lúc tôi làm nũng, vì còn nhỏ quá, lại thèm ngủ nên cứ quấy mẹ ngặt nghèo mãi, mẹ thương lắm những cũng đành chịu, xách tôi dậy, đánh răng rửa mặt trong cái chậu liên xô mẹ được tặng làm quà ngày cưới rồi đặt tôi nghiêm cẩn lên cái ghế mây sau cái xe đạp. Thế là hai mẹ con lại thong dong đi làm, từ lúc trời còn mờ sáng.

Nhà có hai anh em, nhưng mẹ luôn nói rằng mẹ thương tôi nhất, cho dù bây giờ tôi có vương trưởng đường hoàng đến thế nào, vẫn là mẹ thương tôi nhất. Mẹ nói: “Bởi vì lúc con còn nhỏ khó khăn quá, nên con phải chịu thiệt thòi”. Mỗi lần nói đến đấy, mẹ lại rơm rớm. Tôi thì từ nhỏ, sống rất lạc quan và yêu đời, nên chỉ vỗ nhẹ nhẹ vào lưng mẹ rồi nói: “Được rồi mẹ, không cần kể chuyện cổ tích nữa.”

Nhưng tôi vẫn nhớ rõ những lúc nằm ngủ ngon lành dưới gầm bàn mẹ làm việc, rồi khi có đoàn kiểm tra mẹ lại gửi tôi cho bác bán báo ngoài vỉa hè chỗ mẹ làm trông giúp, tôi lại ngồi đó, mở to mắt nhìn thế giới, và chờ mẹ đón. Đến giờ cơm, mẹ xách cặp lồng ra vỉa hè ngồi ăn với tôi, mẹ toàn ăn cơm, còn bao nhiêu thịt mẹ cứ dồn cả cho tôi. Trẻ nhỏ thì biết gì, chỉ háu ăn, tôi cứ ăn ngon lành, thật ra đó là những bữa cơm ngon nhất tôi vẫn nhớ, không kể sau này khi tôi đi du học, lần đầu về nhà được ăn lại cơm mẹ nấu.

Tôi nhớ khi tôi đi nhà trẻ, ị đùn bị cô xách ra chỗ cái bể nước, phát lia lịa vào mông rồi kỳ cọ bằng cái chổi tre. Hóa ra mẹ cũng nhìn thấy, mẹ nấp sau cái cổng cũ khu tập thể mà khóc. Mẹ không dám nói các cô, vì mẹ đi làm sớm, về muộn, luôn phải gửi thêm giờ. Tôi cũng chẳng trách các cô, một lớp 10 đứa ị đùn như tôi, có mà thành cái gì? Đấy, tôi luôn đơn giản là vậy, vẫn thơm các cô và líu lo trên đường về, kể cả có bị đánh đau thế nào trên lớp. Mẹ bảo hôm đấy mẹ cứ khóc mãi, rồi mẹ ước giá mà có ai bên cạnh để nhờ trông con giúp, cho con ngủ thêm tý buổi sáng. Nhờ ai hả mẹ, khi thời đó ai mà chẳng khó khăn, ông bà yếu cả rồi?<br />
Tôi nhớ lúc bé, khoái nhất là buổi sáng được ăn trứng vịt lộn với sữa chua, hoặc cháo sườn với sữa chua, ôi cái hộp sữa chua đựng trong hộp thuốc nếu tôi không nhầm, sao mà ngon đến thế. Nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi, mà hôm nào ăn bữa thế thì đúng là đặc sản các bạn ạ! Sau này tôi mới biết nếu tôi ăn những món ấy, mẹ sẽ phải nhịn bữa sáng. Sau này tôi lớn, sữa chua cứ đắng ngắt trong mồm.

Tối nào mẹ cũng kể truyện cho tôi nghe, cho dù có bận đến mấy. Chính mẹ là người đem tình yêu với văn chương đến cho tôi. Tôi luôn biết ơn mẹ về điều đó. Những câu chuyện cổ tích mẹ kể trước lúc đi ngủ, chính là một đặc ân cuối ngày, vẫn những nhân vật cũ rích trong truyện cổ Grim thôi, mà sao mẹ kể đi kể lại vẫn cứ hấp dẫn đến nhường ấy? Hanxen và Greten, Ba Sợi Tóc Vàng Của Con Quỷ, Chu Du Thiên Hạ Để Học Rùng Mình… ôi những kiệt tác một thời. Tôi nhớ đến độ thuộc lòng đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Ở đây là do khi mẹ đọc, chắc cũng mệt vì buồn ngủ, nên mẹ tự nhiên dừng mất một lúc, bao giờ tôi cũng phải lay mẹ rồi bảo : “Sao đấy mẹ, xong rồi thế nào nữa?”

Mẹ mắt nhắm mắt mở: “Ừ đoạn này có dấu chấm, phải nghỉ một lúc rồi mới được đọc tiếp”

Hôm sau, mẹ tỉnh táo hơn, đọc đến đoạn này không thấy mẹ nghỉ, tôi chỉnh ngay : “Mẹ, sao đoạn này có dấu chấm mẹ không nghỉ?” – Cho nên sau này các bạn có chọn cách nói dối con trẻ, phải khéo một chút, chúng nó sẽ phát hiện ra, rất nhanh thôi! Và hơn nữa – bọn trẻ con nhớ rất dai.

Thế rồi tôi lớn, nhà cửa cũng khấm khá lên, nhưng năm tháng cũ vẫn mãi là những câu chuyện đi theo đến sau này, theo bước tôi trưởng thành. Tôi không còn thấy mẹ cao lớn như ngày ấu thơ nữa, mẹ giờ nhỏ bé và chậm chạp, nhưng tình thương của mẹ cho tôi thì không bao giờ thay đổi. Ngày tôi xa nhà, đêm trước tôi nằm trằn trọc mãi không ngủ được, tỉnh dậy hút thuốc, thấy mẹ đứng ngoài cửa phòng. Tôi hỏi sao mẹ không ngủ đi? Mẹ nói mẹ muốn là nốt cho tôi mấy tấm áo mặc đi đường.

Bao nhiêu tấm áo mẹ muốn là cho đủ hả mẹ? Đến hết cuộc đời dài và vất vả của mẹ ư? Con giờ đã lớn rồi mẹ ơi, con mong mẹ được nghỉ ngơi. Tôi không nói được. Câu chữ theo nước mắt ngược cả vào trong. Mẹ nói đàn ông con trai thì không được khóc. 2 giờ sáng, mẹ vẫn là thêm quần áo, gỡ cái này, cho cái kia vào vali. Mẹ không nói, nhưng tôi biết mẹ buồn. 5 năm trời xa cách. Thả tôi về một mảnh trời lạ. Mẹ gói ghém cả nhớ thương vào đống hành lý ngổn ngang kia.

Lúc ra sân bay, tôi không nhớ có nói là tôi yêu mẹ không? Câu nói ấy khi nhỏ tôi nói nhiều lắm vậy mà lúc lớn thì ít khi tôi nhắc lại. Tôi chỉ gửi mẹ cái ôm rất chặt. Tôi đi mà không ngoái lại một lần, tôi sợ rằng nếu ngoảnh lại nhìn mẹ, tôi sẽ không bước nổi. Trên máy bay, nhìn ra cửa sổ, mây ngút ngàn, chân trời xa tít tắp…

Có một lần ngày nhỏ, tôi nép sau lưng mẹ, nắm chặt vạt áo, mở to đôi mắt rụt rè nhìn thế giới rộng lớn. Đồng cỏ xanh chạy dài mãi đến tận phía chân núi xa. Mẹ đẩy tôi ra phía trước: “Chạy chơi đi con”. Tôi ngập ngừng mãi rồi cũng buông tay mẹ, chạy băng qua những gốc cây, ngọn cỏ, qua tháng năm, qua những biến động, qua vụng dại, qua những vấp ngã, qua những đánh rơi. Mẹ đứng sau tôi. Không lời. Mẹ vẫn đợi. Tôi tin mẹ vẫn đợi tôi.

Với tôi, mẹ là người phụ nữ vĩ đại nhất.

ST

Đăng bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *